Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Cần Thơ) cho biết, năm 2019, ở thời điểm trước khi có dịch COVID-19, nước ta đạt 19 triệu lượt khách du lịch quốc tế, lúc đó Thái Lan đạt 25 triệu khách.
Năm 2022 nước ta đặt mục tiêu phục hồi sau dịch rất lớn với 5 triệu khách quốc tế nhưng kết quả chỉ đạt 3,6 triệu khách, trong khi đó, 2 nước láng giềng là Thái Lan đạt 11 triệu khách (gấp hơn 3 lần so với Việt Nam), Malaysia đạt 9,2 triệu.
"Việc phục hồi du lịch của Việt Nam rất chậm. Bởi ngay từ đầu năm 2022 Thái Lan đã có rất nhiều chính sách về gia hạn thị thực, kéo dài thời gian lưu trú, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách nhập cảnh bằng hình thức trực tuyến và qua tất cả các cửa khẩu", ông cho hay.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng.
Đại biểu cho biết, 3 tháng đầu năm 2023, nước ta đạt được khoảng 3,6 triệu khách du lịch quốc tế, so với mục tiêu 8 triệu khách trong năm nay vẫn còn khoảng cách xa và đầy thách thức. Trong khi đó, Thái Lan đặt mục tiêu năm 2023 đón 15 triệu khách quốc tế và đến năm 2030 khi Việt Nam đặt mục tiêu 35 triệu thì Thái Lan đặt mục tiêu 80 triệu khách.
Theo ông Hùng, việc tháo gỡ các thủ tục về thị thực là một trong những chìa khóa hết sức quan trọng để giúp du lịch Việt Nam cất cánh. "Xét về mặt tự nhiên hay các điều kiện khác thì chúng ta cũng không thua kém gì, tại sao du lịch Việt Nam lại có một khoảng cách rất xa so với các nước chung quanh”, vị đại biểu này đặt câu hỏi.
Trong lần sửa luật này, đại biểu Đoàn Cần Thơ mong muốn sẽ áp dụng nhiều nhất cho số lượng các nước được hưởng chính sách mở rộng thời gian lưu trú, thị thực.
Qua khảo sát đánh giá, việc khó khăn trong xin cấp thị thực là một rào cản rất lớn, ngoài ra là chất lượng dịch vụ và các ưu đãi thu hút khác.
Với các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, đại biểu cho biết, thị thực với những chuyên gia sang công tác, làm các dự án đầu tư vẫn còn nhiều rào cản. Khi hết hạn visa họ sẽ phải quay về nước làm lại các thủ tục từ đầu để trở lại Việt Nam. Ông kiến nghị cần tổ chức thực hiện các thủ tục ngay tại chỗ, kéo dài thời hạn thị thực cho đối tượng này.
Phân tích sâu hơn về tình hình du lịch nước ta, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga thông tin, Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế trở lại từ ngày 15/3/2022, theo đánh giá đây là thời điểm khá sớm so các nước trong khu vực, với mục đích mở cửa sớm để đón đầu cơ hội phục hồi du lịch và tiếp nhận nhiều khách du lịch quốc tế. Thế nhưng kết quả lại chưa đạt yêu cầu, đến cuối năm 2022 mới chỉ đón được 3,6 triệu lượt khách quốc tế, bằng 70% kế hoạch.
“Trong khi đó, các nước trong khu vực đạt kết quả ấn tượng hơn chúng ta rất nhiều, mặc dù thời điểm mở cửa của các nước lại sau Việt Nam, như Thái Lan đón hơn 11 triệu khách, Singapore 6,3 triệu lượt và Indonesia 5 triệu, đều vượt mục tiêu đề ra. Kết quả đó cho thấy, mặc dù Việt Nam mở cửa rất sớm và có lộ trình tôi cho rằng khá hợp lý mà chỉ đón được 3,6 triệu lượt khách quốc tế”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương dẫn chứng.
Một nguyên nhân khác khiến du lịch Việt "chậm phát triển" là do việc cấp thị thực của Việt Nam chưa thông thoáng như các nước trong khu vực. Thí dụ Malaysia và Singapore miễn thị thực cho du khách đến từ 162 quốc gia, Phillippines 157 quốc gia, Thái Lan 65 quốc gia, còn Việt Nam chỉ hạn chế ở 24 quốc gia.
Đại biểu thẳng thắn đánh giá, đây là một trong những điểm trừ của du lịch Việt Nam. Ban soạn thảo cần rà soát tăng số lượng quốc gia được miễn thị thực vào Việt Nam, vì nếu chặt chẽ quá trong vấn đề này thì “du lịch nước ta sẽ rất thiệt thòi”.
Ngoài ra, thời gian miễn thị thực của các nước ASEAN cũng rất dài, từ 30 đến 45 ngày, thậm chí lên đến 90 ngày lưu trú như ở Thái Lan, còn Việt Nam mới chỉ là 15 ngày.
Theo bà, ngành Du lịch muốn phát triển lớn mạnh, ngoài các yếu tố sản phẩm hấp dẫn về du lịch nghỉ dưỡng dài ngày, du lịch sinh thái… việc kéo dài thời gian hiệu lực của thị thực điện tử rất cấp thiết, vì mục tiêu hướng đến thị trường khách quốc tế nguồn thu dồi dào hơn thị trường nội địa.
Ban soạn thảo cũng cần tống nhất con số định lượng, cấp thị thực theo số tháng hay số ngày. Dự thảo Luật đang sử dụng cả hai: “không quá 3 tháng” và “không quá 30 ngày”, trong khi các nước thường tính theo đơn vị ngày.