Qua đó, góp phần giáo dục, tôn vinh giá trị văn hóa và truyền thống hiếu học và khoa bảng của Vĩnh Tường.
Thầy giáo Lê Hoàng Hiền, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Viết Xuân chia sẻ: Chương trình “Khai bút đầu Xuân – Nét duyên vùng đất Phủ” mới được tổ chức năm thứ 2, nhưng đã để lại cho mỗi người dân Vĩnh Tường một niềm tự hào về quê hương đất phủ “trọng chữ”, “kính chữ”, một niềm tin, niềm hy vọng về một mùa xuân mới - với những thắng lợi mới, thành công mới.
“Với trách nhiệm của những người làm công tác giáo dục, sau sự kiện này, chúng tôi sẽ trở về ngôi trường yêu dấu của mình để tuyên truyền đến các thầy cô giáo, các em học sinh về ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình. Từ đó, các thầy cô, học sinh có thể cảm nhận, tự hào về miền quê đất Phủ giàu truyền thống hiếu học, khoa bảng, được tạo dựng từ thời kỳ phong kiến tự chủ cho đến nay, tựa như “mạch ngầm” mãi miết chảy cùng thời gian và không bao giờ vơi cạn trong tâm thức của mỗi người con đất Phủ”, thầy Hiền khẳng định.
Vĩnh Tường là vùng đất có truyền thống khoa bảng, trọng hiền tài, nhân sĩ, ngay từ thế kỉ XV, vào thời Lê Sơ, văn miếu phủ Tam Đới đã được xây dựng ở thôn Cao Xá, xã Cao Đại. Đây là văn miếu đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc. Thời kì phong kiến quân chủ, Vĩnh Tường đã có 22 người đỗ tiến sĩ, 250 người đỗ cử nhân.
Ngày nay, tiếp nối truyền thống hiếu học và khoa bảng của cha ông, Vĩnh Tường là một trong những điểm sáng về học sinh giỏi, top đầu của Vĩnh Phúc về chất lượng giáo dục.