'Khát' nhân lực công nghiệp hỗ trợ

18/10/2023, 14:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nguồn nhân lực còn thiếu và chất lượng chưa đồng đều như hiện nay đang là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ.

Các chuyên gia cho rằng, nguồn nhân lực cho ngành CNHT hiện nay vẫn còn tình trạng “vênh” giữa cung và cầu, tức là từ cơ sở đào tạo đến thực tiễn DN còn khoảng cách. Chia sẻ tại Tọa đàm “Nâng cao chất lượng nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ”, ông Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phân tích, có hai loại vênh là vênh về số lượng và vênh về chất lượng.

Vênh về số lượng là do sinh viên tốt nghiệp ít, nhưng nhu cầu của DN nhiều. Điều này dẫn đến DN cũng khó trong việc tuyển dụng lao động. Hoặc là chiều ngược lại, có thể sinh viên tốt nghiệp nhiều nhưng thời điểm đấy nhu cầu của DN ít, dẫn đến là dư thừa.

Còn vênh về chất lượng lại là bài toán khó hơn. Sinh viên tốt nghiệp có thể là chưa có hoặc chưa đạt một số năng lực, phẩm chất mà DN mong muốn.

“Như vậy, muốn thu hẹp khoảng cách giữa cung với cầu, chắc chắn là phải có sự vào cuộc từ hai phía, kể cả phía các trường và phía các đơn vị sử dụng lao động mà cụ thể ở đây là DN”, ông Thực nhìn nhận.

Chia sẻ thực tế tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, ông Kiều Xuân Thực cho biết, nhà trường luôn luôn phải tích cực và chủ động trong việc liên kết, hợp tác với DN. Ban đầu là thiết kế, xây dựng nội dung chương trình và điều chỉnh chương trình đào tạo, điều chỉnh quy mô.

“Hàng năm chúng tôi phải lấy ý kiến DN về nhu cầu tuyển dụng. Nếu DN có nhu cầu lao động ít đi, tỷ lệ sinh viên có việc làm giảm đi thì nhà trường cũng phải giảm quy mô tuyển sinh. Hay DN cần những năng lực gì ở từng vị trí việc làm thì nhà trường cũng phải lồng ghép các yêu cầu đấy vào chuẩn đầu ra của chương trình. Tức quy mô tuyển sinh hàng năm phải bám theo nhu cầu của DN để giảm độ vênh”, ông Thực chia sẻ.

Bên cạnh đó, quá trình tổ chức đào tạo cũng có sự vào cuộc của DN cùng với nhà trường, chứ không còn đơn thương độc mã mỗi nhà trường như trước đây nữa. Đồng nghĩa với việc, đưa thầy, đưa trò đến DN, rồi đưa DN vào trường, để xóa độ vênh liên quan đến trình độ kỹ thuật, công nghệ…

“Thực tế nhiều DN đang áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật cao hơn so với cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà trường đang có. Nên nếu chúng ta không đưa giảng viên, không đưa sinh viên ra thực hành, thực tập tại DN thì không giải quyết được vấn đề này.

Mặt khác, các kinh nghiệm thực tiễn, các kiến thức, kỹ năng từ các chuyên gia, DN cũng cần được cung cấp ngược lại đối với giảng viên và đối với sinh viên để cập nhật vào chương trình đào tạo”, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/khat-nhan-luc-cong-nghiep-ho-tro-post657991.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/khat-nhan-luc-cong-nghiep-ho-tro-post657991.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Khát' nhân lực công nghiệp hỗ trợ