Khát vọng cống hiến

01/11/2023, 07:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong số thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm nay có nhiều em đến từ trường sư phạm.

Họ chia sẻ về con đường trở thành thủ khoa và khát vọng cống hiến cho ngành Giáo dục.

Ước mơ làm thầy giáo

Tốt nghiệp sớm ba tháng so với chương trình và điểm tích lũy khóa học đạt 3.98/4.0, Trịnh Quang Thạch - sinh viên Khoa Địa lý trở thành thủ khoa đầu ra Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Phía sau tấm bằng thủ khoa là câu chuyện xúc động về sự lựa chọn ngành nghề của thầy giáo dạy Địa lý trong tương lai.

Thích nghề giáo từ khi học tiểu học và được truyền cảm hứng bởi thầy cô dạy Địa lý cấp THCS, Thạch ước mơ trở thành giáo viên môn này. Cột mốc quan trọng ở năm lớp 9, dưới sự dạy dỗ của cô Nguyễn Thị Ngọc Thảo - giáo viên Địa lý Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), Thạch lựa chọn thi vào lớp chuyên Địa lý, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.

Tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Thạch đạt nhiều thành tích trong học tập. Năm lớp 12, em giành giải Nhì học sinh giỏi Địa lý cấp quốc gia, nhờ vậy được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, việc lựa chọn ra Hà Nội học của Thạch không nhận được sự đồng tình của bố mẹ.

Chị Nguyễn Thị Khánh Duyên, mẹ Thạch nhớ lại: “Tôi không thể quên 4 năm trước, ngày con thông báo trúng tuyển ngành Sư phạm Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Khoảng cách từ Đà Nẵng ra Hà Nội học quá xa nên tôi không đồng ý và mong muốn con lựa chọn học trường gần nhà. Nhưng Thạch kiên trì giải thích để mẹ ủng hộ lựa chọn của mình và tôi đã phải chấp nhận”.

Vốn không mấy quảng giao, những ngày đầu ra Hà Nội, Thạch e ngại, không dám bắt chuyện nhiều với bạn. Em cũng tự bó hẹp trước định kiến thầy cô đại học không gần gũi như ở phổ thông. Sau đó, sự cởi mở của bạn bè, thầy cô khiến Thạch thoải mái, dần thân thiết và mở rộng nhiều mối quan hệ, việc học tập cũng suôn sẻ hơn.

Ngoài thành tích xuất sắc trong học tập, Thạch còn đoạt giải Nhất nghiên cứu khoa học cấp trường và giải Khuyến khích cấp Bộ với đề tài nghiên cứu “Nhận thức của sinh viên Sư phạm Địa lý về giáo dục phát triển bền vững ở Việt Nam”. Ngoài ra, Thạch đạt danh hiệu Sinh viên xuất sắc các niên khóa, giấy khen thành tích hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và nghề nghiệp tất cả 4 năm học.

Về tương lai phía trước, Thạch cho biết, bản thân vừa nhận quyết định làm việc tại Trường THCS FPT, Đà Nẵng. Được trở về nhà, sống gần bố mẹ, mang kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm đã học để giảng dạy cho học sinh là mong muốn lớn nhất của em.

Bên cạnh đó, Thạch dự định sẽ tích lũy thêm kiến thức nghiên cứu, xuất bản các bài báo trong nước và quốc tế về lĩnh vực giáo dục phát triển bền vững. “Giáo dục phát triển bền vững rất gần với môn Địa lý, vì địa lý liên quan đến môi trường, bảo vệ tự nhiên. Từ đó, có cách thức dạy học sinh yêu thương thiên nhiên và tương tác bền vững”, Thạch chia sẻ.

Tô Gia Cẩn trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: NVCC
Tô Gia Cẩn trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: NVCC

Nỗ lực cho bảng đen, phấn trắng

Trong số thủ khoa tốt nghiệp đại học năm nay có một trường hợp rất đặc biệt, đó là Tô Gia Cẩn - cựu sinh viên Khoa Sư phạm Toán, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Cẩn tốt nghiệp khi đã ngoài 30 tuổi, có vợ, con gái đang học lớp 1. Khát vọng học tập và ước mơ được đứng trên bục giảng đã đưa Cẩn quay lại giảng đường và giành kết quả xuất sắc.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Cẩn thi đỗ chương trình Cử nhân Quốc tế IBD của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Mức học phí chương trình khi ấy khoảng 40 triệu đồng/học kỳ. Để có tiền trang trải học phí, Cẩn đi làm gia sư môn Toán. Tuy nhiên hết năm nhất, gia đình gặp khó khăn, không đủ khả năng chi trả nên Cẩn ngậm ngùi bảo lưu việc học.

Thấy chồng có “duyên” với việc dạy học, vợ Cẩn, chị Trần Thị Hạnh động viên chồng thi lại để lấy bằng đại học. Thời điểm ấy là đầu năm 2019, chỉ còn cách ngày thi khoảng 3 tháng. Với quyết tâm theo nghề sư phạm, Cẩn tự hệ thống lại kiến thức dựa trên những điều còn nhớ và tự học trên tài liệu trực tuyến. Năm đó, Cẩn đạt 30,85/40, trúng tuyển vào Khoa Sư phạm Toán của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Vượt qua mặc cảm “sinh viên già nhất trường”, hơn các bạn cùng lớp đến 8 tuổi, Cẩn sớm bắt nhịp quá trình học tập. Mục tiêu đi học để có chuyên môn chắc chắn và không phải thi lại để đỡ tốn tiền, Cẩn học nghiêm túc trong thời gian ở trường. Nhà không có phòng riêng nên những lúc thi, anh phải đợi vợ con đi ngủ mới thức để ôn.

Suốt 8 học kỳ, Cẩn giành học bổng, trong đó hầu hết các môn đạt điểm A và A+. Kết thúc 4 năm học, Cẩn đạt điểm tổng kết 3.77/4.0, trở thành thủ khoa đầu ra toàn trường. Ngoài ra, Cẩn còn đạt nhiều thành tích khác: Danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp trường và thành phố, giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường, giải Nhì cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử cấp trường.

Ở Khoa Sư phạm Toán và ở Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Cẩn được thầy cô, bạn bè yêu mến. Cô Nguyễn Thị Thúy Vinh - giảng viên Khoa Sư phạm Toán bày tỏ khâm phục tinh thần và khả năng học tập của Cẩn. “Cẩn là sinh viên giỏi. Kết quả em đạt được xứng đáng với nỗ lực trong 4 năm học ở trường”, cô Vinh cho hay.

Ngay sau khi tốt nghiệp, chàng thủ khoa đặc biệt đã thi và trúng tuyển vào vị trí giáo viên môn Toán, Trường THCS Đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội). Cô Vũ Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Việt Hưng bày tỏ mong muốn và tin tưởng thầy giáo Tô Gia Cẩn sẽ trở thành một trong những nguồn lực then chốt phát triển nhà trường, là người lái đò tài giỏi đưa học sinh đến bến bờ tri thức.

21 năm qua, thành phố Hà Nội duy trì tổ chức hoạt động tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn. Đến nay có hơn 2 nghìn thủ khoa xuất sắc được tuyên dương, ghi danh vào Sổ vàng truyền thống. Các thủ khoa xuất sắc đã khẳng định được năng lực, phẩm chất đạo đức và có đóng góp tích cực, tiêu biểu trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khát vọng cống hiến