Khát vọng đến với khoa học phụng sự nhân loại

22/12/2022, 09:07
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mọi sáng tạo phát minh đều cần sự chung tay của nhiều người, ý tưởng ban đầu của cá nhân chỉ là một phần nhỏ. Khi bắt tay vào nghiên cứu, các nhà khoa học đều có chung một mục tiêu là mang đến sự thay đổi tích cực cho cuộc sống hàng triệu người trên thế giới.

Hệ thống lọc nước này đã được lắp đặt ở nhiều nơi ở Ấn Độ, những nơi nguồn nước bị nhiễm sắt, urani và asen, cung cấp nước uống sạch cho 1,3 triệu người mỗi ngày. Hệ thống này kỳ vọng có thể giải quyết bài toán nước sạch cho khoảng 785 triệu người trên toàn thế giới.

GS. Pradeep chủ yếu nghiên cứu trong lĩnh vực vật liệu phân tử và bề mặt. Các vật liệu và hiện tượng mà ông khám phá được áp dụng cho việc lọc làm sạch nước và môi trường với chi phí thấp. Một số nghiên cứu của ông được chuyển thành các sản phẩm áp dụng trong cuộc sống thường ngày.

GS. Pradeep cho biết, ở quê hương ông có nhiều nhóm bạn trẻ khởi nghiệp với các dự án khá hiệu quả và bày tỏ hi vọng Việt Nam cũng sẽ có những mô hình mà ở đó có thể nuôi dưỡng đam mê với khoa học nói chung và ngành nước nói riêng cho thế hệ trẻ.

Nhận được giải thưởng VinFuture, GS. chia sẻ: "Tôi thật vinh dự được nhận phần thưởng cao quý này. Tôi nhận nó với sự khiêm tốn vì còn có sự đóng góp của nhiều đồng nghiệp khác đã làm việc với tôi. Tôi biết còn nhiều trở ngại lớn cần phải vượt qua để mang lại nước sạch cho mọi người. Tôi hi vọng sự vinh danh này sẽ giúp tôi hiện thực hóa giấc mơ đó".

Ước mơ giúp người nông dân trồng lúa hiệu quả

Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho nhà khoa học nữ đã ghi nhận công trình nghiên cứu đột phá của GS. Pamela Christine Ronald (Hoa Kỳ) trong việc phân lập gene Sub1A tạo điều kiện phát triển các giống lúa chịu ngập úng dài hạn.

Khát vọng đến với khoa học phụng sự nhân loại - Ảnh 3.

GS. Ronald chia sẻ với các nhà khoa học Việt Nam về ước mơ giúp đỡ cho người nông dân - Ảnh: VGP/Thu Cúc

Từ gene lúa Sub1, GS. Ronald và các cộng sự đã tạo ra các giống lúa biến đổi gene sinh trưởng tốt trong điều kiện ngập úng lâu ngày và cho năng suất cao. Đây là nghiên cứu quan trọng, không chỉ giúp giải quyết nhu cầu lương thực cho hàng trăm triệu người mà còn mang tới giải pháp bền vững cho những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu trên thế giới.

Chia sẻ về con đường đến với khoa học, GS. Ronald kể: "Cha tôi là dân tị nạn. Ông là người không có quốc tịch trong 12 năm. Gia đình tôi có cuộc sống khó khăn nhưng cha tôi luôn nhắc là chúng phải biết quan tâm đến người khác, khi có điều kiện thì giúp đỡ mọi người. Đó là cảm hứng giúp tôi tìm thấy tình yêu với khoa học, với cây cỏ, thiên nhiên, tìm ra những giải pháp giúp ích cho nhiều người".

Theo GS. Ronald, bà từng nghiên cứu về thực vật nhưng sau đó bà quyết định nghiên cứu về giống gạo vì gạo là nguồn thực phẩm của một nửa dân số thế giới.

"Tôi hy vọng rằng một số đóng góp của tôi có thể hữu ích cho những người nông dân và gia đình họ. Ước mơ của tôi là có thể giúp đỡ những người nông dân trồng lúa hiệu quả. Tôi may mắn được làm việc với một nhóm các nhà khoa học quốc tế tuyệt vời để có thể giúp đỡ cho nông dân ở Nam Á và Đông Nam Á", GS. Ronald cho biết.

Trao đổi về vấn đề làm thế nào để cân bằng giữa nhu cầu về an ninh lương thực và bảo vệ môi trường, GS. Ronald cho rằng, rất khó để cân bằng giữa nhu cầu trồng trọt và bảo vệ môi trường. Mọi trang trại, bất kể là trang trại hữu cơ, trang trại nhỏ, về cơ bản là đều có nguy cơ phá hủy hệ sinh thái bản địa. Vì vậy, điều cần làm là giảm đầu vào có hại, giảm lượng phân bón.

"Chúng ta có thể giảm sử dụng các hóa chất có thể gây hại. Tôi là một nhà di truyền học. Vì vậy, tôi nghĩ đóng góp của các nhà di truyền học là phát triển hạt giống có các khả năng ưu việt như kháng bệnh, để cây lương thực có thể phát triển mà không cần nông dân phun thuốc trừ sâu. Chúng ta có thể đưa gene này vào cây trồng, giúp cây trồng kháng bệnh hoặc kháng nhiễm khuẩn", GS. Ronald đề xuất.

GS. Ronald cũng cho rằng, có nhiều thách thức lớn đối với nông dân trồng lúa. Ví dụ, ở Việt Nam, không chỉ có lũ lụt mà khi mực nước biển dâng cao sẽ dẫn đến xâm nhập mặn. Vì vậy, nông dân rất quan tâm đến các giống chịu mặn. Vì vậy, có thể kết hợp những đặc điểm gồm khả năng chịu mặn, khả năng chịu ngập hoặc khả năng chịu hạn trong cùng một loại cây trồng. Có sự kết hợp như vậy là bởi lẽ chúng ta khó có thể biết được biến đổi khí hậu sẽ thay đổi những gì trong tương lai.


Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/khat-vong-den-voi-khoa-hoc-phung-su-nhan-loai-102221221221803645.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/khat-vong-den-voi-khoa-hoc-phung-su-nhan-loai-102221221221803645.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khát vọng đến với khoa học phụng sự nhân loại