UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2022 - 2023. Ảnh: Trường THPT chuyên Quốc học (Thừa Thiên Huế) cung cấp |
Là giáo viên công tác ở trường chuyên, trong quá trình giảng dạy, bồi dưỡng học sinh dự thi học sinh giỏi các cấp, cô Trương Thị Đoan Trang gặp phải một số khó khăn, trở ngại. Theo đó, số tiết dạy cho lớp chuyên trước đây và theo Chương trình GDPT 2018 không nhiều, nhưng lượng kiến thức quá lớn. Tài liệu, hướng dẫn, sách chuyên sâu dành cho học sinh chuyên, năng khiếu còn thiếu. Chủ yếu thầy cô dạy chuyên tự tìm tòi nghiên cứu để dạy, do đó cần có thời gian để đào tạo đội ngũ kế cận.
Dù có nhiểu đổi mới, song chính sách đặc biệt để khuyến khích, thu hút học sinh giỏi dồn toàn bộ niềm say mê, phấn đấu, theo đuổi tận cùng môn chuyên sâu trong các trường phổ thông hiện nay là bài toán nan giải. Không ít học sinh có năng khiếu lại không mặn mà với việc vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia.
Phụ huynh và học sinh vẫn ưu tiên cho việc luyện vào đại học, định hướng du học nhiều hơn thi học sinh giỏi. Một số môn học, kết quả thi học sinh giỏi quốc gia không được xét tuyển vào các trường đại học lớn như mơ ước của các em.
Đoàn Việt Nam đoạt 4 Huy chương Vàng và 4 Huy chương Bạc, xếp thứ nhất toàn đoàn trong số 15 quốc gia tham dự Olympic Hóa học quốc tế năm 2023. Ảnh: P.V |
Từ thực tế đó, cô Trương Thị Đoan Trang mong có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với những học sinh đạt kết quả cao trong các kỳ thi. Đồng thời, cần có chính sách, quy chế mới tạo điều kiện thuận lợi trong việc xét tuyển, đào tạo, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong hành trình học đại học và sau khi ra trường.
“Ngoài ra, không thể thiếu chiến lược dài hơi để những học sinh có năng khiếu tiếp tục theo đuổi bộ môn, chuyên ngành đó trong tương lai; nếu chỉ dừng lại ở sự phấn đấu đoạt giải trong các kỳ thi, rồi chuyển sang ngành học khác không liên quan, như vậy quá lãng phí”, cô Trương Thị Đoan Trang bày tỏ.
Để nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, ông Huỳnh Văn Chương cho biết sẽ tiếp tục tổ chức sớm kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia để tăng thời gian tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực.
Đồng thời, tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic tiếp cận dần với hình thức thi của khu vực và quốc tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp coi thi, chấm thi các vòng thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia bảo đảm khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ, chọn được học sinh giỏi nhất tham dự các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế.
“Bộ GD&ĐT tiếp tục đổi mới, tăng cường huy động cán bộ, giáo viên giỏi toàn quốc để phục vụ cho việc ra đề thi; tăng cường cán bộ trẻ có năng lực để nâng cao hiệu quả tổ chức thi, tập huấn đội tuyển Olympic. Thực hiện phân công, phân nhiệm rõ ràng đối với lãnh đạo phụ trách từng khâu của kỳ thi để bảo đảm tính độc lập, chủ động và nghiêm túc, khách quan trong chỉ đạo tổ chức thi...”, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết.