Ở những trường hiệu trưởng và kế toán biết tiết kiệm, đặc biệt là đơn vị tự chủ, nơi có điều kiện, mức chăm lo hỗ trợ cho giáo viên khá “tươi”, có trường ở TPHCM dự kiến chi thu nhập tăng thêm lên tới chục triệu đồng. Chi thu nhập tăng thêm 1 - 3 triệu đồng/người cũng là mức trong khả năng tính toán của không ít trường học tại các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh nhiều đơn vị chăm lo Tết cho giáo viên tốt nhờ nguồn chi tăng thêm, hiện vẫn có nơi chưa dự kiến được kinh phí hỗ trợ Tết, nếu có chỉ ở mức tượng trưng, nhất là các vùng khó. Lý do là dù chính sách chi thu nhập tăng thêm đã có, nhưng không phải trường học nào cũng có thể thực hiện hiệu quả. Bởi một trong những vấn đề mấu chốt để có thu nhập tăng thêm là điều kiện làm dịch vụ, có chủ trương, hướng dẫn cụ thể của địa phương, chủ động của hiệu trưởng và kế toán nhà trường trong việc tiết kiệm chi tiêu, cân đối tài chính.
Đặc biệt, bên cạnh sự quản lý, cân đối chặt chẽ các khoản chi thường xuyên, không thường xuyên của hiệu trưởng, cần tăng cường giám sát của ban thanh tra nhân dân và các tổ chức đoàn thể trong trường học để bảo đảm tiết kiệm chi.
Tình hình kinh tế - xã hội còn chịu nhiều tác động tiêu cực từ hậu quả của đại dịch Covid-19. Lạm phát và bất ổn về chính trị, kinh tế thế giới dẫn đến một số doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, rất nhiều người lao động phải ngừng và nghỉ luân phiên, thậm chí mất việc.
Trong bối cảnh đó, nỗ lực của Công đoàn ngành, nhà trường, địa phương chăm lo Tết (dù chỉ là tượng trưng) cho nhà giáo có ý nghĩa động viên rất lớn. “Dù phần hỗ trợ Tết ngó lên không bằng ai nhưng đó là món quà chắt chiu biết bao tình cảm, lo toan của trường, địa phương mình cho mỗi thầy cô. So sánh ít nhiều cũng khập khiễng, biết khéo co thì ấm”, cô Ngọc Bích, giáo viên huyện Tân Phú (Đồng Nai) tâm sự.