Có thí sinh không may mắn trúng tuyển đợt 1 nhưng cũng có em từ chối nhập học đợt 1 để đăng ký theo học các chương trình liên kết quốc tế.
Nguyễn Trần Trúc L, học sinh lớp 12 Trường THPT Trương Vĩnh Ký, quận Tân Bình, TPHCM đã trúng tuyển theo phương thức học bạ THPT vào Trường ĐH Công nghệ TPHCM ngành Kinh doanh quốc tế nhưng em quyết định không xác nhận nhập học mà chọn theo học chương trình liên kết quốc tế của Viện ISB, Trường ĐH Kinh tế TPHCM.
Nữ sinh cho biết, do tiếng Anh đạt IELTS 6.0 và điểm thi THPT khá ổn (21 điểm) nên sau thời gian suy nghĩ quyết định bỏ trúng tuyển đợt 1 để xét tuyển vào chương trình liên kết này. “Chương trình cử nhân Western Sydney là chương trình liên kết đào tạo giữa ISB và Đại học Western Sydney, Úc - trường nằm trong tốp các trường đại học 1% trên thế giới. Ngoài ra theo học tại đây, em còn có cơ hội du học và nhận 2 bằng đại học nếu theo học đủ 4 năm”, Trúc L cho biết.
Không thuộc nhóm thí sinh trúng tuyển đợt 1, em Lê Mạnh Hùng, học sinh Trường THPT Gia Định, TPHCM tìm kiếm cơ hội học ngành Marketing theo chương trình liên kết quốc tế của ĐH Mở TPHCM với ĐH Flinders, Úc. Theo Hùng, đây là chương trình liên kết có thời gian học tập tại Việt Nam là 1,5 năm và học tại Úc 2 năm sau nên chi phí học tập tương đối phù hợp.
Hiện, các chương trình liên kết quốc tế có nhiều hình thức đào tạo khác nhau, phổ biến nhất là du học chuyển tiếp. Theo đó, một phần chương trình học được đào tạo trong nước, phần còn lại học tại nước ngoài và sau đó, sinh viên sẽ được nhận bằng của trường đại học liên kết.
Các chương trình được xây dựng theo dạng 1,5+2 (học 1,5 năm tại Việt Nam và 2 năm tại trường đại học liên kết ở nước ngoài); chương trình 3+1 (học 3 năm ở Việt Nam và 1 năm ở nước ngoài); chương trình 4+0 (chương trình đào tạo với 2 giai đoạn nhưng được học hoàn toàn tại Việt Nam trong suốt khóa học)…
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp của trường đại học liên kết - giống như sinh viên học toàn thời gian tại nước ngoài (không phân biệt bằng tốt nghiệp giữa sinh viên học toàn thời gian hay chỉ học giai đoạn ngắn tại nước ngoài).
“Điểm mạnh của các chương trình quốc tế (chương trình chuẩn, kiểm định chất lượng quốc tế) là tân cử nhân được nhận bằng do trường nước ngoài cấp, có giá trị quốc tế, nên cơ hội việc làm trong và ngoài nước rất cao. Đây là điều mà phụ huynh và sinh viên đặc biệt quan tâm khi tìm hiểu các chương trình liên kết tại Viện ISB”, PGS.TS Minh Quân nói.
Theo PGS.TS Trần Hà Minh Quân, Viện trưởng ISB (Trường ĐH Kinh tế TPHCM), lợi thế của chương trình đào tạo liên kết quốc tế là ngành học đa dạng. Sinh viên theo học các chương trình liên kết quốc tế đều dễ dàng chọn lựa những ngành học “hot”, ngành học theo xu hướng đón đầu tương lai. Các điều kiện xét tuyển cũng không gắt nếu thí sinh có nền tảng tiếng Anh tốt cùng tốt nghiệp THPT ở mức khá.
Thực tế, chương trình liên kết quốc tế ở các trường hiện nay đều là ngành có sức hút rất lớn với người học. Chẳng hạn, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG TPHCM) đào tạo các ngành liên kết quốc tế như Kỹ thuật Điện – Điện tử; Kỹ thuật Cơ Điện tử; Kỹ thuật Hóa học; Kỹ thuật Hóa dược; Kỹ thuật Môi trường...
Sinh viên quốc tế theo học ngành Y đa khoa tại ĐH Quốc tế Hồng Bàng. |
Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TPHCM) đào tạo các ngành liên kết như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy tính, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ sinh học, Quản trị Kinh doanh. Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM đào tạo các ngành liên kết như Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng, Trí tuệ nhân tạo, Quản lý Cảng và Logistics…
Ngành học “hot” nhưng điểm xét tuyển đầu vào các chương trình này đều thấp hơn chương trình đại trà nên tạo được sức hút với thí sinh. Đơn cử Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM), các ngành đào tạo liên kết quốc tế có mức điểm chuẩn từ khoảng 16 – 18 điểm.
Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM tuyển sinh các chương trình liên kết theo hình thức xét học bạ THPT với điểm trung bình lớp 12 là 6,5. Điều kiện kèm là trình độ tiếng Anh đạt IELTS 5.5 điểm. Trường hợp thí sinh chưa đạt trình độ tiếng Anh sẽ học chương trình dự bị trước khi học chuyên ngành.
Theo TS Lê Nguyễn Quốc Khang (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM), học các chương trình liên kết quốc tế với sinh viên bây giờ không khó. Quan trọng là sinh viên cần cân nhắc khả năng tài chính và chọn lựa theo học chương trình, đối tác hợp tác với ĐH Việt Nam đủ uy tín; các chương trình đào tạo được Bộ GD&ĐT công nhận…
Nhìn nhận việc du học bán phần hay toàn phần thông qua các chương trình liên kết đang là xu hướng lớn của thị trường và mong mỏi của không ít thí sinh, PGS.TS Trần Hà Minh Quân, Viện trưởng ISB, cho rằng, nếu thí sinh và gia đình biết tính toán và săn được các gói học bổng thì chi phí học tập sẽ không quá đắt đỏ.
“Ngoài Mỹ, New Zealand, Anh thì Úc đang là thị trường có sức hút rất lớn với học sinh Việt Nam. Theo thống kê Bộ Giáo dục Úc, đến tháng 8/2022, Việt Nam xếp thứ tư về số lượng du học sinh quốc tế, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal. Hiện, có khoảng 20.000 du học sinh Việt Nam đang theo học các bậc học tại đây.
Với chi phí học tập bình quân khoảng 30.000 USD/năm cho du học toàn phần và giảm chừng 60% nếu du học bán phần theo hình thức 2 năm tại Việt Nam + 1 năm hoặc 1,5 năm tại Úc, chi phí học tập tính ra không phải quá đắt đỏ nhưng bằng cấp sinh viên được nhận là bằng quốc tế có giá trị toàn cầu. Rõ ràng đây là bài toán mà nhiều thí sinh quan tâm”, PGS.TS Minh Quân phân tích.
“Học chương trình liên kết quốc tế sẽ tiết kiệm chi phí từ 40 - 60% so với du học toàn phần. Tuy vậy, so với các chương trình đại trà, học phí chương trình liên kết sẽ cao hơn nhiều. Nhất là trong giai đoạn học chuyển tiếp tại nước ngoài, học phí và chi phí khác sẽ tăng. Do đó, trước khi chọn học các ngành liên kết, sinh viên và phụ huynh cần cân đối nguồn tài chính trong từng giai đoạn” - TS Lê Nguyễn Quốc Khang (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM) lưu ý.