Tấm huy chương đồng World Cup 2022 cũng rất quý giá với Modric, người đã bước sang tuổi 37. Ảnh: Reuters. |
Morocco – hiện tượng Bắc Phi cũng khát khao một dấu ấn lịch sử, nhưng các chú sư tử Atlas vấp phải một đội bóng quá dạn dày kinh nghiệm và lại thực sự quyết tâm, nghiêm túc trong trận cầu tri ân Modric. Nếu các cầu thủ Morocco hơi nặng về trình diễn và các vị trí dự bị vào sân chưa bắt nhịp với cuộc chơi thì Croatia vẫn lao động, vẫn lạnh lùng và vẫn trừng phạt đối thủ từ những sai lầm rất nhỏ. Đấy là điều ý nghĩa nhất mà tương lai của bóng đá Croatia, những Josko Gvardiol, Mislav Orsic… có thể làm để tôn vinh người anh cả Modric.
Neymar và Ronaldo sẽ không bao giờ trở thành những nhà vô địch thế giới, vì cơ hội gần như cuối cùng để họ làm điều đó đã trôi qua ở hoang mạc Trung Đông. Neymar ngỡ ngàng không tin vào những giọt nước mắt Brasil, còn Ronaldo, trong giờ phút buồn bã nhất của Bồ Đào Nha, anh chạy trốn vào đường hầm như một phản ứng giận hờn đã trở nên quen thuộc.
Brazil kể từ thế hệ Roberto Carlos, Ronaldo de Lima, Rivaldo, Kaka… đến giờ mới xây dựng được một lực lượng mang đúng chất samba. Một đội hình vừa nhanh, vừa mạnh, vừa giàu kỹ thuật dưới tay HLV Tite tưởng như có thể giải cơn khát vô địch kéo dài 20 năm, rốt cuộc lại gục ngã ngay từ tứ kết theo cái cách ném chiếc vé đã ở trong tay ra ngoài cửa sổ.
Neymar đã vắng mặt 2 trong 5 trận ở Qatar vì chấn thương, nhưng mỗi lần ra sân, anh đều toả sáng. Đỉnh cao của Neymar chính là bàn thắng ở hiệp phụ vào lưới Croatia, một pha bóng thăng hoa kéo dài suốt đoạn đường 70 mét mà anh là người khởi xướng, cũng là người kết thúc.
Nghiệt ngã thay, đó có thể cũng là dấu ấn cuối cùng của Neymar trên đấu trường World Cup. Điều đáng tiếc khiến Neymar không thể trở thành huyền thoại chính là thanh xuân của anh nhằm trúng giai đoạn bóng đá Brazil khô cằn nhất. Người ta sẽ nhớ đến Neymar như một “kịch sĩ” nhiều hơn “nghệ sĩ”, trong những giải đấu 4 năm 1 lần mà Brazil chủ yếu vật lộn với trái bóng thay vì nhảy múa.
Ronaldo có kỳ World Cup đáng quên. Ảnh: Reuters. |
Ronaldo cũng gặp hoàn cảnh tương tự Neymar, khi Bồ Đào Nha có thể vô địch châu Âu nhưng chưa bao giờ đủ đẳng cấp lên ngôi thế giới. Bi kịch của Ronaldo nằm ở chỗ anh không chấp nhận sự thật là mình đã già, đã không còn là người quan trọng nhất và đương nhiên, chẳng thể tạo ra những điều kỳ diệu như suốt những năm tuổi trẻ.
Bồ Đào Nha đã thực sự hay hơn, bay bổng hơn khi cất Ronaldo trên ghế dự bị. Đó là khi họ chơi một set tennis với Thuỵ Sĩ – đội bóng cũng có nền tảng phòng ngự thật đáng sợ. Nhưng trước Morocco không chỉ phòng ngự cứng mà còn biết phản công mềm, người Bồ đã thua một trận tứ kết mà Ronaldo không có nhiều thời gian ở trên sân.
Ronaldo không hài lòng với vai phụ và số cơ hội ít ỏi mà anh nhận được. Anh có một cú sút duy nhất thì bị thủ thành Bounou cản phá. Anh có một vị trí thuận lợi, gọi bóng như thường lệ, nhưng Joao Felix lại lờ đi và chuyền cho Goncalo Ramos. Thua trận, Ronaldo bỏ về sớm và sau đó, anh gọi HLV Fernando Santos là kẻ lừa dối.
Ở một khía cạnh nào đó, sự lừa dối của Santos cũng tương đồng với Erik ten Hag ở MU. Hai người đàn ông đều dư thừa sự trân trọng Ronaldo, đã tìm nhiều cách để tạo môi trường thi đấu cho anh, xoa dịu anh trong quan hệ với đội bóng và đồng nghiệp… Nhưng mọi thứ đều có giới hạn của nó và giới hạn ấy chính là kết quả chung.
Ronaldo đã không còn đóng góp tích cực vào lối chơi của đội. Ngược lại, việc xây dựng một hệ thống chiến thuật xoay quanh Ronaldo khiến cả MU lẫn Bồ Đào Nha trở nên đơn giản, dễ bị bắt bài. Người thay đổi phải là Ronaldo chứ không phải các ông thầy, hay các đội bóng.
Bây giờ thì Fernando Santos đã từ chức, để lại cho HLV mới của tuyển Bồ Đào Nha một gánh nặng về ứng xử với tượng đài của đất nước. Ronaldo dù chưa nói lời chia tay sự nghiệp quốc tế, nhưng chẳng có tín hiệu nào cho thấy anh có thể tìm lại những ngày tươi đẹp. Muốn thế, ít nhất anh cũng phải tìm cho được một bến đỗ sau World Cup, thay vì tập ké ở Real Madrid như những ngày này.