Giáo dục

Không chọn ngành theo phong trào: Hãy chọn điều có ý nghĩa

02/05/2025 17:09

Việc lựa chọn ngành nghề không nên chỉ dựa vào danh tiếng của trường hay xu hướng “ngành hot”. Theo các chuyên gia, học sinh cần hiểu rõ năng lực bản thân và xu thế phát triển của thị trường lao động để đưa ra quyết định đúng đắn, tránh hệ lụy trong tương lai.

Không chọn ngành theo phong trào: Hãy chọn điều có ý nghĩa- Ảnh 1.
Hàng triệu học sinh lớp 12 bắt đầu bước vào giai đoạn quan trọng: Chọn ngành, chọn trường - Ảnh: VGP/Đỗ Cường

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần, mang theo những băn khoăn, căng thẳng rất thực của hàng triệu học sinh lớp 12. Trong đó, chọn ngành, chọn trường không chỉ là một gạch đầu dòng trong hồ sơ tuyển sinh, mà là bước ngoặt ảnh hưởng lâu dài tới sự nghiệp và cuộc sống. Nhưng trong một thị trường thông tin nhiễu loạn, học sinh có đang thực sự hiểu điều mình lựa chọn?

PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cảnh báo: "Nhiều em đang chọn ngành theo phong trào, chọn theo bạn bè, hoặc vì tên ngành nghe hấp dẫn. Đó không phải là cách để tìm ra con đường phù hợp nhất với bản thân".

Ngành 'hot' trong mắt ai?

Mấy năm gần đây, cứ vào mùa tuyển sinh, những ngành như công nghệ thông tin, truyền thông số, trí tuệ nhân tạo lại trở thành tâm điểm. Các nhóm ngành này được cho là "hot", nhưng "hot" trong mắt ai lại là câu hỏi khác.

Với học sinh, ngành hot là ngành nhiều người chọn. Với phụ huynh, đó là ngành lương cao, dễ xin việc. Nhưng với chuyên gia nghề nghiệp – những người thực sự theo dõi xu thế lao động – thì ngành hot là ngành có nhu cầu cao và bền vững trong tương lai.

"Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã chỉ ra rằng, từ nay đến năm 2030, các ngành có tốc độ tăng trưởng nhân lực mạnh nhất sẽ là công nghệ cao, AI, chăm sóc sức khỏe tinh thần và kỹ thuật xanh. Nhưng học sinh có biết điều này không, hay chỉ bị hấp dẫn bởi một cái tên ngành nghe sang?", PGS.TS. Trần Thành Nam đặt vấn đề.

Một thực tế đáng lo ngại là nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không làm đúng ngành, thậm chí thất nghiệp. Báo cáo năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhóm cử nhân đại học có tỉ lệ thất nghiệp 3,12%, cao hơn so với lao động trình độ trung cấp hoặc sơ cấp. Điều này cho thấy việc chọn sai ngành, sai định hướng ngay từ đầu đã để lại hệ quả lớn.

Không chọn ngành theo phong trào: Hãy chọn điều có ý nghĩa- Ảnh 2.
PGS.TS. Trần Thành Nam cho rằng, vẫn còn rất nhiều học sinh lựa chọn ngành học dựa trên sự nổi tiếng của một trường đại học, theo bạn bè, hoặc kỳ vọng của phụ huynh

Muốn chọn đúng, phải hiểu chính mình

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, câu hỏi quan trọng nhất mà học sinh cần tự trả lời là "Mình có hợp ngành này không?". Đó không chỉ là việc chọn một cái tên nghe ấn tượng, mà là lựa chọn một lộ trình học tập và làm việc kéo dài hàng chục năm.

"Không ai thành công nếu học và làm trong một lĩnh vực mà mình không có hứng thú, không có khả năng tự học hay sáng tạo. Quan trọng là các em có sẵn sàng gắn bó với ngành đó không, hay chỉ bị thu hút bởi vẻ ngoài hào nhoáng ban đầu?".

Muốn hiểu bản thân, học sinh nên làm các trắc nghiệm hướng nghiệp chính thống, tham khảo kỹ thông tin từ các trường, đọc mô tả chương trình đào tạo, đầu ra và vị trí việc làm. Không nên chỉ nghe theo lời khuyên từ mạng xã hội hay bạn bè, bởi mỗi người có một thế mạnh và ước mơ riêng.

Theo ông Nam, trường đại học không chỉ là nơi cấp bằng, mà là môi trường giúp người học phát triển năng lực tư duy, sáng tạo, khả năng thích ứng và làm việc nhóm. Đó là những yếu tố then chốt để sinh viên tồn tại và vươn lên trong một thế giới luôn thay đổi.

Chọn ngành là chọn con đường để trưởng thành

Việt Nam hiện có 1,35 triệu người trẻ từ 15–24 tuổi thuộc nhóm NET-NET (không học, không làm, không tham gia đào tạo), theo báo cáo năm 2024 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổng cục Thống kê. Nhiều người trong số này từng là sinh viên, nhưng bỏ học giữa chừng vì chọn sai ngành, học không nổi hoặc không thấy có tương lai.

"Đó là một sự lãng phí rất lớn, không chỉ của cá nhân, mà của cả xã hội. Nếu lựa chọn ngành nghề ngay từ đầu được làm một cách cẩn trọng, nhiều em đã có thể đi một con đường khác", ông Nam chia sẻ.

Không chọn ngành theo phong trào: Hãy chọn điều có ý nghĩa- Ảnh 3.
Các em hãy lắng nghe bản thân một cách nghiêm túc, để tìm ra lựa chọn cho bản thân mình - Ảnh: VGP/Đỗ Cường

Học sinh tốt nghiệp cấp 3 năm 2025 là lứa đầu tiên học hết chương trình giáo dục phổ thông mới. Kỳ thi năm nay là kỳ thi chuyển giao. Trong bối cảnh nhiều thay đổi về cách đánh giá và tuyển sinh, học sinh dễ rơi vào trạng thái bất định, lo lắng. Điều quan trọng lúc này, theo PGS.TS. Trần Thành Nam là chuẩn bị tâm lý vững vàng.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cũng đưa ra lời khuyên giản dị nhưng đầy ý nghĩa: "Khi ta dành thời gian lắng nghe chính mình, lựa chọn ngành nghề không còn là điều gì quá ghê gớm. Điều quan trọng là chọn một hướng đi khiến mình thấy có ý nghĩa và muốn nỗ lực mỗi ngày vì nó".

Trong một thế giới biến động, chọn đúng ngành không còn là tìm chỗ đứng an toàn, mà là tìm được môi trường bản thân có thể phát triển và thích nghi lâu dài. Và quyết định đó không ai có thể làm thay ngoài chính các em học sinh. Các em hãy ngồi lại, lắng nghe bản thân một cách nghiêm túc, con đường sẽ hiện ra rõ ràng hơn.

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/khong-chon-nganh-theo-phong-trao-hay-chon-dieu-co-y-nghia-102250501175806915.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/khong-chon-nganh-theo-phong-trao-hay-chon-dieu-co-y-nghia-102250501175806915.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không chọn ngành theo phong trào: Hãy chọn điều có ý nghĩa