Đại diện lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, các chương trình thạc sĩ khoa học (1,5 năm) sẽ cung cấp cho người học kiến thức ngành rộng, tiên tiến. Bên cạnh đó, người học được trang bị kiến thức liên ngành, nền tảng về quản lý dự án nghiên cứu phát triển; trong đó đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao năng lực nghiên cứu và tư duy khoa học.
Tất cả chương trình tích hợp cử nhân – thạc sĩ khoa học, cử nhân – kỹ sư chuyên sâu đặc thù có tổng thời gian 5,5 năm với khối lượng học tập 180 tín chỉ, được thiết kế đảm bảo tính liên thông về kiến thức, năng lực, trình độ giữa các bậc cử nhân, kỹ sư và thạc sĩ.
Cơ chế tích hợp đào tạo cử nhân - thạc sĩ là hướng đi mới, phù hợp với sinh viên có nhu cầu học lên trình độ cao hơn, TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nhìn nhận. Cơ chế này, giúp các em giảm áp lực đầu vào, rút ngắn thời gian đào tạo. Theo đó, người học chỉ cần 5 năm đã có thể cầm trong tay hai tấm bằng đại học và thạc sĩ.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hiện Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ của Bộ GD&ĐT cho phép sinh viên có thể học trước một số tín chỉ thạc sĩ. Cụ thể, Khoản 2, Điều 4 Quy chế này nêu, sinh viên đang học chương trình đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) có học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và các điều kiện khác do cơ sở đào tạo quy định, được đăng ký học trước một số học phần của chương trình thạc sĩ tại cùng cơ sở đang học đại học. Số tín chỉ được công nhận không vượt quá 15 tín chỉ.
Viện dẫn, trên thế giới có nhiều nước cho phép sinh viên đại học học trước một số học phần thuộc chương trình đào tạo thạc sĩ, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh, chúng ta không nên cấm hoàn toàn cơ chế này, bởi thực tế nhiều người có năng lực với khả năng đặc biệt. Tuy nhiên, cũng không nên khuyến khích, để điều này trở thành đại trà.
“Nếu người học thực sự có tài năng, đạt thành tích học tập xuất sắc thì nên tạo điều kiện để họ được học tập, nghiên cứu theo hướng nâng cao hoặc chuyên sâu hơn”, TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.
Theo đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), điểm mới trong Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ (Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT) là, sinh viên có thể học trước một số tín chỉ thạc sĩ, tạo điều kiện cho người có thành tích học tập vượt trội. Hiện, việc công nhận tín chỉ lẫn nhau giữa các trường đại học chưa nhiều. Các trường mới chỉ thực hiện liên thông dọc đối với sinh viên đang theo học tại đơn vị mình, chưa công nhận với các trường khác.