Cũng trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm đến việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất của người dân. Trong đó làm rõ như thế nào là "bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ".
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ: "Bồi thường bằng hoặc tốt hơn tưởng đơn giản nhưng nhức nhối nhất". Theo đó, dù chính quyền địa phương rất nỗ lực, quan tâm chế độ cho người dân bị thu hồi đất nhưng vẫn bị người dân phản ứng, xung đột, mâu thuẫn.
"Ngôi nhà với người dân bị thu hồi không chỉ là không gian sinh hoạt, sinh kế mà còn gắn với làng xóm, tập quán sinh hoạt… Vào khu tái định cư cuộc sống đảo lộn, hàng xóm mới, nghề nghiệp mới", ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, các nhà đầu tư nước ngoài khi vào làm dự án họ sẽ khảo sát xã hội học, tâm lý học, dân tộc học… rất kỹ. Ngoài ra, họ còn điều tra về tình trạng việc làm, lứa tuổi, sức khỏe, học vấn… của từng người dân để có phương án hỗ trợ hiệu quả.
"Khâu này mới là khâu quyết định chứ không phải chỉ đơn giá quyết định. Đầu xuôi đuôi mới lọt", ông nói và đề nghị phải có những lớp tập huấn cho đội ngũ giải phóng mặt bằng để chuẩn bị kỹ và tốt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân.
Trao đổi sau đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chia sẻ cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn sau khi thu hồi đất phải hiểu là tốt hơn về cả về sinh kế, học tập, sản xuất, cộng đồng văn hóa… chứ không chỉ tốt hơn về hạ tầng kỹ thuật. Vì vậy, dự thảo luật cũng cố gắng phân cấp cho địa phương.
Nếu lãnh đạo địa phương lắng nghe ý kiến người dân, điều tra xã hội học và cố gắng không quy định cứng nhắc các hình thức bố trí tái định cư.
"Ví dụ dân tộc Mông có tập tục, thói quen ở trên núi cao, nếu tái định cư đưa họ xuống dưới thấp sẽ không hợp lý", ông Khánh nói.