Không nhớ đồ cất ở đâu, dễ bị nhầm đường là dấu hiệu cảnh báo bạn đã bị sa sút trí tuệ

08/11/2022, 11:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Người bệnh giảm sự tiếp thu thông tin, lặp đi lặp lại một câu hỏi hay một vấn đề, mất khả năng quản lý tài chính, không nhớ đồ cất ở đâu và dễ bị nhầm... là những dấu hiệu cảnh báo đã bị sa sút trí tuệ.

Tại buổi Sinh hoạt Câu lạc bộ người bệnh với chủ đề Sa sút trí tuệ do Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức mới đây, các bác sĩ đã chia sẻ về các giai đoạn của sa sút trí tuệ và cách chăm sóc.

Theo đó, sa sút trí tuệ được chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn đầu, người bệnh giảm sự tiếp thu thông tin, lặp đi lặp lại một câu hỏi hay một vấn đề, mất khả năng quản lý tài chính, không nhớ đồ cất ở đâu và dễ bị nhầm, lạc đường.

Giai đoạn giữa, các triệu chứng rõ ràng hơn, người bệnh không nhớ sáng mình ăn gì, quên một số kỉ niệm trong quá khứ, khó mặc quần áo phù hợp, không nhớ số điện thoại của mình, hay nhầm lẫn ...

Giai đoạn cuối, người bệnh không nhận thức được môi trường xung quanh, đi lang thang, không nhận ra bạn bè người thân, không nhớ lịch sử bản thân, mất kiểm soát bàng quang và ruột, thay đổi nhân cách và hành vi. Các triệu chứng càng ngày nặng lên, người bệnh cần sự hỗ trợ tất cả trong cuộc sống hằng ngày.

Với mỗi một giai đoạn bệnh, người thân và gia đình sẽ cần có một cách chăm sóc khác nhau.

Không nhớ đồ cất ở đâu, dễ bị nhầm đường là dấu hiệu cảnh báo bạn đã bị sa sút trí tuệ - 1

Ở giai đoạn đầu, người thân cần gần gũi, tiếp xúc trò chuyện nhiều với người bệnh để tạo lòng tin; Không nên đôi co qua lại với người bệnh về một vấn đề. Những giấy tờ quan trọng, nên tư vấn cho người bệnh nhờ người thân cất giữ; đồ đạc trong nhà cần bài trí dễ thấy, dễ lấy và phòng tránh trơn trượt trong nhà tắm, nhà vệ sinh. Đồng thời, gia đình cần giám sát và quản lý thuốc uống của người bệnh. Thuốc phải uống theo đơn, nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc đúng giờ nhằm tạo thói quen.

Đến giai đoạn giữa của bệnh, gia đình cần theo dõi sát và giúp đỡ người bệnh, nhắc nhở gợi nhớ những việc họ cần làm; Thường xuyên trò chuyện, gợi nhớ quá khứ vui, cho bệnh nhân xem những bức ảnh kỷ niệm. Ghi những công việc, những chú ý, hay cách sử dụng một thiết bị nào đó ra giấy, dán vào thiết bị đó, chìa khóa treo vào nơi dễ lấy để hỗ trợ người bệnh. Hỗ trợ bệnh nhân làm những công việc hằng ngày như cùng nấu ăn, hỗ trợ mặc quần áo; Ghi tên các loại chai dung dịch như dầu gội, sữa tắm ra vỏ bằng chữ to dễ đọc. Đặc biệt, gia đình cần quản lý thuốc cho bệnh nhân, uống thuốc đúng giờ và kiểm tra thuốc đảm bảo vào dạ dày.

Đến giai đoạn cuối của bệnh sa sút trí tuệ, người thân cần giám sát liên lục 24/24h và cần sự chăm sóc chuyên nghiệp. Môi trường sống của người bệnh cần tuyệt đối an toàn, đồ dùng đơn giản và không có nhiều đồ đạc. Tuyệt đối không để bệnh nhân một mình hay ở môi trường lạ, không quen thuộc; Các vật dụng như dao kéo cần cho vào tủ khóa lại để bệnh nhân không mở được. Cho bệnh nhân ăn, uống thuốc, đi vệ sinh, vệ sinh cá nhân theo giờ nhất định. Ngoài ra, gia đình nên ghi địa chỉ, số điện thoại người thân cài vào áo của người bệnh.

BSCKII. Phạm Công Huân - Phòng Điều trị Tâm thần người già, Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết: Cứ mỗi 3 giây trên thế giới lại có một người bị sa sút trí tuệ (SSTT).

Năm 2019, có 55 triệu người bị SSTT. Theo dự đoán, đến năm 2030, thế giới sẽ có 78 triệu người, và 2050 con số này tăng tới 139 triệu người mắc SSTT.

Có thể thấy bệnh SSTT tạo một áp lực lớn đến kinh tế cũng như chất lượng sống của người bệnh. Để phòng ngừa gánh nặng do SSTT đem lại, người bệnh và gia đình người bệnh cần nhận thức và đánh giá sớm được dấu hiệu của bệnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không nhớ đồ cất ở đâu, dễ bị nhầm đường là dấu hiệu cảnh báo bạn đã bị sa sút trí tuệ