Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), đối với thớt gỗ, chị em cũng cần chú ý dấu hiệu cảnh báo không an toàn sức khỏe. Đó là thớt có nhiều vết dao băm chặt ngay cả khi chưa đến hạn cũng cần thay ngay.
Đối với thớt gỗ, chị em cũng cần chú ý dấu hiệu cảnh báo không an toàn sức khỏe. (Ảnh minh họa)
FDA công nhận, những vết lõm siêu nhỏ hình thành trên mặt thớt gỗ là ổ chứa của vô số những loại vi khuẩn dù cho bạn có rửa sạch thớt cũng không đảm bảo sạch hoàn toàn tại những khe nứt này được.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ, khi sử dụng thớt, nhất là thớt gỗ, bề mặt thớt bị băm chặt gây ra các vết nứt lõm thì nguy cơ bị nhiễm độc, ung thư gan cực cao vì dễ phát sinh nấm mốc.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh, đôi khi người dân không cần quá quan trọng hóa vấn đề thớt gỗ dùng nhiều năm phải vứt bỏ vì có những loại thớt làm từ gỗ tốt, gỗ lâu năm vẫn có thể dùng nhiều năm. Tuy nhiên bạn cần chắc chắn mặt thớt không có vết lõm, khe nứt, xơ gỗ xuất hiện để tránh tạo ổ vi khuẩn lây bệnh cho cả gia đình.
Bạn cần chắc chắn mặt thớt không có vết lõm, khe nứt, xơ gỗ xuất hiện. (Ảnh minh họa)
Ngoài vấn đề này, theo chuyên gia, dù là loại thớt nào chăng nữa, bạn cần chú ý vệ sinh thớt thật sạch theo những nguyên tắc sau:
- Dùng nước rửa chén bát và giẻ rửa bát hoặc cọ xoong nồi để làm sạch hoàn toàn bề mặt sau khi sử dụng.
- Sau đó cần đem đi phơi khô hoặc sấy khô mới đảm bảo được diệt khuẩn tối đa.
- Thớt chỉ nên treo trong bếp khi đã được phơi khô cong. Ngoài ra cần chú ý không treo thớt gỗ đã phơi khô ở khu vực gần bồn rửa hoặc chỗ ẩm ướt trong nhà bếp. Nên treo lên tường, cách xa những khu vực này.
- Trong điều kiện thời tiết không cho phép như những ngày trời mưa, trời thiếu nắng..., ông Thịnh khuyên, sau khi rửa sạch thớt gỗ và để ráo nước, người dân có thể hong khô thớt hoàn toàn trên bếp gas. Đây cũng là cách an toàn, sạch sẽ được nhiều mẹ nội trợ áp dụng.