“Chúng tôi nhận được các loại vũ khí mà chúng tôi đã chờ đợi rất lâu. Đó là tên lửa hành trình. Đối phương không thể bắn hạ những tên lửa này dù có các hệ thống phòng không tuyệt vời” – Ukrinform dẫn lời ông Ihnat.
Uy lực tên lửa diệt hạm Harpoon
Hồi đầu tháng 9, Ukraine tuyên bố đã phá hủy một hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 của Nga ở bán đảo Crimea.
Cuộc tấn công được cho là được tiến hành song song bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình diệt hạm Neptune.
Tên lửa Harpoon cũng có thể được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ tương tự. Điều này có nghĩa là ngay cả hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Nga là S-400 cũng không tránh khỏi việc bị tấn công.
Harpoon là tên lửa hành trình diệt hạm cận âm, được phát triển ở Mỹ và đưa vào sử dụng từ năm 1977.
Từ khi ra đời, nhiều biến thể khác nhau của tên lửa Harpoon đã được phát triển, bao gồm phiên bản phóng từ trên không, phiên bản phóng trên tàu và phiên bản phóng dưới nước. Các biến thể của tên lửa Harpoon đã được sử dụng tại 32 quốc gia.
Tàu khu trục USS Radford của Mỹ phóng tên lửa Harpoon năm 1992. Ảnh: Popular Mechanics
Theo trang Military-Today, Harpoon sử dụng radar chủ động để theo dõi mục tiêu và phát nổ khi tiếp xúc. Tên lửa này được trang bị đầu đạn nặng 221 kg, có thể bay với vận tốc 617 km/giờ.
Phiên bản F-16 Block 50/52 từ những năm 1990 đã có phần cứng và phần mềm cần thiết để hoạt động cùng tên lửa Harpoon ở một số chế độ phóng.
Với một số cấu hình, Harpoon được phóng ở một hướng cụ thể và thiết bị tìm kiếm của tên lửa được sử dụng để xác định vị trí mục tiêu.
Một số chế độ bổ sung giúp tăng tầm bắn và phương hướng của tên lửa tới mục tiêu, từ đó tăng cơ hội tấn công chính xác.
Với một sự điều chỉnh nhỏ về phần mềm và cài đặt bộ điều hợp giao diện Harpoon, gần như mọi tiêm kích F-16 đều có thể được trang bị tên lửa Harpoon, theo trang The EurAsian Times.
Khi được hỏi về vấn đề liên quan tới F-16, ông Ihnat cho biết khi số lượng các quốc gia tham gia liên minh hàng không mở rộng thì khả năng và triển vọng đào tạo phi công của Ukraine cũng tăng lên.
“Một nhóm lớn kỹ sư quân sự cũng đang được đào tạo cùng với phi công của chúng tôi tại các quốc gia đã gia nhập khối liên minh không quân. Các chiến cơ F-16 càng được chuyển giao sớm thì tình hình trên mặt trận càng sớm thay đổi” – ông Ihnat nói.
Cạnh đó, ông nhấn mạnh các phi công Ukraine đang được huấn luyện mà không có bất kỳ sự chậm trễ nào.
“Mỹ cũng đang tham gia và đây là bước đi quan trọng vì Mỹ là nhà sản xuất F-16 và căn cứ tốt nhất nằm ở đó. Nếu họ huấn luyện phi công của chúng tôi thì đây sẽ là một bước đi nghiêm túc trên con đường sở hữu F-16” – người phát ngôn Không quân Ukraine nói thêm.