Không thể mãi bị động với giáo dục giới tính

Lan Anh | 18/02/2023, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Câu chuyện nữ sinh lớp 7 mang thai và sinh con tại Bắc Giang một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản...

Nâng cao nhận thức

Trong các trường học hiện nay, giáo dục giới tính được giảng dạy ngay từ bậc tiểu học, tích hợp trong môn Khoa học lớp 5. Chủ đề gồm các bài về sự sinh sản, phân biệt nam hay nữ, cơ thể chúng ta được hình thành như thế nào, cần làm gì để cả mẹ và bé đều khỏe, tuổi dậy thì và vệ sinh ở tuổi dậy thì.

Cô Trương Thị Hiền, Trường Tiểu học Tân Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cho hay, một số học sinh lớp 5 đã dậy thì, thường xấu hổ khi học bài về giới tính. Vì vậy, trước mỗi bài giảng, cô phải giải thích đây là sinh lý của cơ thể con người và chúng ta cần biết để hiểu được giá trị bản thân, biết trân trọng, bảo vệ cơ thể mình và tôn trọng cơ thể của người khác.

Trong tiết phòng tránh xâm hại, cô sưu tầm video và các tình huống giúp học sinh dễ hiểu hơn, không né tránh nội dung nhạy cảm, song sẽ lựa chọn từ ngữ diễn đạt cho phù hợp với lứa tuổi các con. “Những kiến thức giáo dục giới tính nên được dạy từ sớm hơn để các con không ngượng ngùng ở các lớp trên. Khi được trang bị kiến thức, kỹ năng sớm, con sẽ chủ động phòng tránh và biết cách bảo vệ mình”, cô Hiền chia sẻ.

Với kinh nghiệm nhiều năm dạy lồng ghép các kiến thức giáo dục giới tính cho học sinh qua môn Sinh học, cô Tạ Thu Hương, Trường THCS Duyên Thái (huyện Thường Tín, Hà Nội), đánh giá nội dung giáo dục giới tính rất quan trọng và cần thiết, tuy nhiên hiện chưa được chú trọng. Cách xây dựng chương trình vẫn hàn lâm, chưa có các câu hỏi gắn liền thực tế, buộc giáo viên phải dựa vào kinh nghiệm để chia sẻ với học trò.

Cô Hương cho hay, cùng dạy về chương sinh sản nhưng không phải giáo viên nào cũng có khả năng truyền đạt, liên hệ, giúp học sinh tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên. Một số giáo viên trẻ tránh nói sâu về chủ đề này vì ngại, trong khi các cô đã có gia đình sẽ chủ động mở rộng kiến thức vì nhận thấy tầm quan trọng của giáo dục giới tính. Không chỉ dạy trong các giờ chính khóa, cô còn lồng ghép trong những buổi sinh hoạt lớp.

Khẳng định vai trò quan trọng của gia đình trong việc nâng cao nhận thức về giới tính, kỹ năng phòng chống xâm hại cho học sinh, cô Nguyễn Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) - chia sẻ: Ngoài trách nhiệm của thầy cô trong việc trang bị kiến thức, kĩ năng cho học sinh, bố mẹ cũng nên dạy con về giới tính. Bởi bố mẹ là những người gần gũi con, từng trải, quan tâm và có thể lắng nghe, thấu hiểu những gì con đang cần…

“Xã hội càng ngày càng phát triển, tệ nạn và những phương thức để văn hóa độc hại xuất hiện ngày càng nhiều, lứa tuổi vị thành niên chưa đủ nhận thức, kiến thức để vượt qua cám dỗ. Các bậc phụ huynh, giáo viên cần phải trang bị đầy đủ hành trang cho trẻ để tự bảo vệ bản thân, bạn bè, có trách nhiệm trước những quyết định của chính mình…” - cô Hà cho biết thêm.

Theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam trong năm 2020, cả nước có gần 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu ở độ tuổi 15 - 19, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên. Số liệu thống kê cũng cho thấy, độ tuổi quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên ngày càng sớm - dẫn tới việc mang thai ngoài ý muốn.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/khong-the-mai-bi-dong-voi-giao-duc-gioi-tinh-post626622.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/khong-the-mai-bi-dong-voi-giao-duc-gioi-tinh-post626622.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không thể mãi bị động với giáo dục giới tính