Và đây, ba lô con cóc hồi hộp trên lưng đã gói cả một trời lửa đạn đựng đầy bao thương nhớ. Khi đặt xuống thành bệ bắn, khi đặt trên gối thành chiếc bàn di động viết lá thư thăm, và trong nhấp nhô điệp trùng quân hành là: “Chiếc ba lô đựng những gì/Mà đi cuối đất mà đi cùng trời…” (Thanh Thảo).
Đẹp sao tư thế hy sinh của người lính đã tạo thành dáng đứng bất tử trong thơ Lê Anh Xuân đó là: “Dáng đứng Việt Nam”: “Và anh chết trong khi đứng bắn/Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”…
Khúc ca người lính ra trận có Bác Hồ kính yêu: “Bác cùng chúng cháu hành quân”. Lời thơ chúc Tết của Bác chính là mệnh lệnh tiến công, là hiệu triệu muôn con tim cùng chung khí thế: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”; là cảm hứng của Bác “Bỗng nghe vần thắng vút lên cao”.
Trải qua lịch sử dựng nước và giữ nước, hình ảnh người lính bao giờ cũng là nhân vật trung tâm, là điểm tựa tinh thần, là niềm tự hào lớn lao của dân tộc. Đó là anh “bộ đội cụ Hồ” được sinh ra từ những người mẹ “Việt Nam Anh hùng”. Khúc ca người lính ấy chính là điệp khúc quân hành được cất lên từ cánh rừng Trần Hưng Đạo, cánh rừng mang tên vị anh hùng dân tộc đã đi suốt chặng đường dài trong âm vang:
“Đường dài đi dọc Trường Sơn
Nghe vọng bài ca đất nước
Đất nước bốn nghìn năm không nghỉ
Những đạo quân song song cùng lịch sử
Đi suốt thời gian, đi suốt không gian
Sừng sững dưới trời anh dũng hiên ngang”
(Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi! - Nam Hà).