Các nhà kinh tế cho rằng, yếu tố có lợi cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương là chính sách tiền tệ nhìn chung mềm dẻo hơn. Ngân hàng trung ương ở Australia, Hàn Quốc, Indonesia và Ấn Độ nằm trong số những ngân hàng tạm dừng chu kỳ thắt chặt. Trung Quốc với chính sách tiền tệ nới lỏng và mở cửa trở lại muộn sau COVID-19 là điểm thu hút hàng đầu với nhà đầu tư.
Điều đó được phản ánh với 5,5 tỷ USD vốn chảy vào các quỹ đầu tư thị trường mới nổi trong 4 tuần (tính đến cuối tháng 3), dẫn đầu là châu Á, theo số liệu từ TD Securities.
“Các nhà đầu tư đang xem châu Á là khu vực được ưa chuộng nhất, tiếp theo là châu Âu và sau đó là Mỹ” - ông David Chao - chiến lược gia thị trường toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Invesco Asset Management - nói với Bloomberg.
Asian Development Bank cho biết, các nền kinh tế đang phát triển của châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc, đang trên đà tăng trưởng nhanh, lạm phát chậm hơn trong năm nay và năm tới.
Frederic Neumann - đại diện HSBC Holdings Plc tại Hong Kong (Trung Quốc), - cho biết, sự phục hồi của Trung Quốc dự kiến lan tỏa khắp khu vực. Điều này cũng được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bùng nổ hàng hóa và giảm nợ tăng trưởng quá mức.
Đại diện Citibank lại cho rằng, Hong Kong và Thái Lan là nền kinh tế hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại của Trung Quốc. Các nền kinh tế dẫn đầu về dịch vụ trong nước như Ấn Độ và Philippines “kiên cường” trước cú sốc tăng trưởng toàn cầu.
Tuy nhiên điều này vẫn có rủi ro nhất định. Châu Á không hoàn toàn miễn nhiễm với sự bất ổn tài chính lan rộng từ Mỹ. Jonathan Kearns - nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý đầu tư Challenger Ltd tại Sydney, Australia, cựu quan chức của Ngân hàng Dự trữ Úc - nói: “Triển vọng thực sự phụ thuộc vào việc mọi thứ có ổn định ở châu Âu và Bắc Mỹ hay không. Nếu có một mức độ hỗn loạn nào đó đang diễn ra, thì nó cũng sẽ lan sang châu Á”.