Một quan chức của Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho rằng, các trường có thể tháo rời và cất giữ vách ngăn để tái sử dụng trong trường hợp đại dịch bùng phát trở lại. Tuy nhiên, trường học phản đối lý do vệ sinh và không gian dự trữ. Ngoài ra, việc tái chế vách ngăn cũng tương đối khó khăn.
Hầu hết vách ngăn chống giọt bắn trong nhà trường được làm bằng các vật liệu nhựa khác nhau như polycarbonate, acrylic... Nhiều vách ngăn được gắn chặt vào bàn học bằng keo dán nên việc xử lý chúng tốn rất nhiều thời gian.
Nhân viên một công ty tái chế rác thải cho biết: “Chất kết dính chắc đến mức chúng tôi phải tháo mặt bàn ra để tách miếng nhựa. Tái chế những sản phẩm này đòi hỏi kỹ thuật và thời gian”.
Trước đó, năm 2021, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã tái chế 30.000 trong số 500.000 tấm vách ngăn được sử dụng trong Kỳ thi Đánh giá năng lực đại học (CSAT) sau khi phân phát số còn lại cho các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, liên quan đến việc xử lý rác thải nhựa trong trường học sau Covid-19, đại diện Bộ Môi trường cho biết “chưa nhận được đề xuất từ Bộ Giáo dục”.
Vách ngăn trong trường học chỉ là bề nổi của lượng chất thải do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo Bộ Môi trường Hàn Quốc, lượng rác thải nhựa năm 2021 đã tăng 17,7% so với năm 2019.
Theo Korea JoongAng Daily