Kì 1: Cuộc chiến chống mỹ phẩm giả chưa bao giờ kết thúc?

Hà Phương | 25/09/2023, 07:44
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Mỹ phẩm được coi là mặt hàng không thể thiếu của nhiều phụ nữ. Hiện nay các sản phẩm giả, nhái thương hiệu nổi tiếng đã và đang len lỏi khắp nơi với quy mô và mức độ giả mạo càng tinh vi.

b1.jpg
Phòng, chống mỹ phẩm giả chưa bao giờ kết thúc?

Với các thương hiệu mỹ phẩm càng nổi tiếng, người dùng càng ưa chuộng thì hàng giả, hàng nhái càng nhiều. Hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng gia tăng về quy mô, tinh vi về công nghệ và thủ đoạn qua mặt các lực lượng chức năng cũng như người tiêu dùng.

Nhiều loại mỹ phẩm giả có bao bì nhãn mác giống tới 99% hàng thật, thậm chí cả kết cấu bên trong sản phẩm cũng bị làm giả hoàn hảo, nếu không phải là nhà sản xuất thì khó mà phân biệt được. Chỉ đến khi người tiêu dùng sử dụng một thời gian dài không thấy tiến triển mới nghi ngờ đã sử dụng phải hàng giả.

Điều này cho thấy, kỹ năng sản xuất hàng giả đã đạt tới mức độ tinh vi, làm cho người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là mỹ phẩm thật - giả, đặc biệt là những mặt hàng mỹ phẩm nhập ngoại.

Có thể thấy, mức độ và tính chất của vấn nạn làm giả mỹ phẩm ngày một nghiêm trọng. Theo một thống kê của cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ, có thể mỹ phẩm giả đã chiếm tới 70% thị trường mỹ phẩm. Hầu như tất cả loại mỹ phẩm đều bị làm giả từ các loại dưỡng da như: kem dưỡng, kem chống nắng, serum...cho đến đồ trang điểm như: phấn phủ, kem nền, son… Nhiều doanh nghiệp bị rơi vào tình trạng đình trệ các kế hoạch kinh doanh cũng như giậm chân tại chỗ do mỹ phẩm giả quá nhiều.

Mỹ phẩm giả tràn lan gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp chính hãng, gây thất thu thuế nhà nước, làm cho công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, mỹ phẩm giả không chỉ làm cho người tiêu dùng bị móc túi, mà còn khiến người sử dụng phải đối diện với nhiều rủi ro, ảnh hưởng tới sức khoẻ khi sử dụng phải hàng giả.

Để ngăn chặn nạn hàng giả đối mặt hang mỹ phẩm, thời gian qua các lực lượng chức năng đã liên tục ra quân kiểm tra và phát hiện, bắt giữ nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.

san-pham-thi-thu.png
Sản phẩm mỹ phẩm bị lực lượng chức năng xử phạt.

Điển hình như hàng loạt cơ sở sản xuất, kinh doanh dược – mỹ phẩm bị xử phạt tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, trong tháng 8/2023, có đến 13 trường hợp (9 cá nhân và 4 doanh nghiệp) bị xử phạt do vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế.

Thanh tra Sở y tế đã xử phạt Công ty TNHH SX TM Mỹ phẩm Triệu Vy (ấp 2, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) 78 triệu đồng về hành vi: Buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá; Không triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo bộ nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm (CGMP-ASEAN).

Tiếp đến là Công ty TNHH Mỹ phẩm Ngọc Ý Châu (khu phố 27, phường Bình Hưng Hoà A, quận Bình Tân) bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt số tiền 70 triệu đồng vì sản xuất mỹ phẩm có công thức không đúng như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm, đồng thời bị buộc thu hồi, tiêu huỷ toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm.

Trước đó, tháng 7/2023, Cục Quản lý Dược (bộ Y tế) đã có công văn thông báo về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô mỹ phẩm kem dưỡng trắng – chống nắng nhãn hàng HASUMI hộp 1 lọ 10g do Công ty Mỹ phẩm Ngọc Ý Châu sản xuất.

Nguyên nhân, mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa thành phần bảo quản Methyl paraben và Propyl paraben không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp sổ tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Tương tự, Công ty TNHH MTV SM TM Phương Trang (số 120 đường số 2, Cư xá Đài Ra đa Phú Lâm, Phường 13, Quận 6) bị xử phạt số tiền 50 triệu đồng do có hành vi: Đưa sản phẩm mỹ phẩm ra lưu thông khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, hoặc hành vi đưa sản phẩm mỹ phẩm ra lưu thông sau thời điểm số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hết thời hạn mà chưa công bố lại theo quy định của pháp luật.

Công ty TNHH Dược phẩm Việt Tín (72 Phan Đình Phùng, phường 2, quận Phú Nhuận) bị xử phạt số tiền 50 triệu đồng về hành vi bán thuốc cho cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.

Đáng chú ý, trong danh sách các trường hợp cá nhân bị xử phạt lần này có Nhà thuốc My Châu 9 (khu phố 6, phường Thới An, Quận 12) do bà Nguyễn Ngọc Bích làm chủ bị xử phạt với số tiền lên tới 44 triệu đồng vì có nhiều vi phạm.

Theo Thanh tra Sở Y tế, Nhà thuốc My Châu 9 có 7 vi phạm, gồm: Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động; Không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính dể quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác; Mua, bán thuốc, dược liệu không cso giấy đưng ký lưu hành; Không có thiết bị, không triển khai sứng dụng công nghệ thông tin, không thực hiện kết nối mạng, không bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra; Bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc; Không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ hoặc duy trì đáp ứng thực thành tốt cơ sở bán lẻ thuốc; Kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Với các lỗi nêu trên, người chịu trách nhiệm chuyên môn của Nhà thuốc My Châu 9 còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược trong thời hạn 4,5 tháng; Buộc tiêu huỷ toàn bộ thuốc không có đăng ký lưu hành; Buộc tiêu huỷ toàn bộ số thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thanh tra Sở Y tế cũng đã xử phạt 5 cá nhân, mỗi người 7,5 triệu đồng về hành vi giả mạo một trong các giấy tờ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược.

(Còn tiếp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kì 1: Cuộc chiến chống mỹ phẩm giả chưa bao giờ kết thúc?