Kiên Giang quan tâm phát triển giáo dục vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc

26/09/2023, 16:09
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Kiên Giang phát triển giáo dục vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc gắn với xây dựng nông thôn mới.

Chiều 26/9, Đoàn công tác Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 29 Trung ương do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu cùng lãnh đạo các Vụ, Cục (Bộ GD&ĐT) đã làm việc với Tỉnh uỷ Kiên Giang. Tham gia đoàn công tác có bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội. Tiếp đoàn có ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang.

Quan tâm phát triển giáo dục vùng sâu, biên giới và hải đảo

Trình bày báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 29, ông Trần Quang Bảo - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết: Qua 10 năm triển khai thực hiện, công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo và triển khai thực hiện.

Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo được kiện toàn sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Hệ thống trường, lớp tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, các thiết bị giáo dục được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu dạy và học. Đội ngũ nhà giáo ngày càng được chuẩn hóa, chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên, đạt mức khá trong vùng và trên mức bình quân chung của cả nước.

Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang báo cáo kết quả thực hiện 10 năm Nghị quyết 29. ảnh 1

Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang báo cáo kết quả thực hiện 10 năm Nghị quyết 29.

Giáo dục ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới. Công tác khuyến học, khuyến tài gắn với xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo của tỉnh từng bước được nâng lên, đáp ứng khá tốt nhu cầu về nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Việc huy động trẻ trong độ tuổi đến trường hằng năm đều tăng, tỷ lệ trẻ em đi nhà trẻ đạt 6,5%, trẻ 3-4 tuổi vào mẫu giáo đạt 70,63%, riêng trẻ em 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 99,58%.

Các chỉ số phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh đạt mức khá trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và trên mức bình quân chung cả nước, hoàn thành mục tiêu đề ra. Tỉnh được Bộ GD&ĐT công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi vào cuối năm 2016.

Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường ở tiểu học đạt 99,92%, 93,14% ở THCS, 67,11% ở bậc THPT. Ngoài ra, Tỉnh cũng chú trọng triển khai xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường trọng điểm và trường chuyên biệt; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 52,05%.

Quy mô và chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ngày một tăng lên. Tỉnh hiện có 31 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (tăng 13 cơ sở so với với năm 2013), có 6 cơ sở ngoài công lập (tăng 4 cơ sở so với năm 2013), tỷ lệ lao động qua đào đạt 70,59% (đạt mục tiêu đề ra).

Vẫn còn khó khăn trong biên chế giáo viên

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục Kiên Giang vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Trong đó công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, nhất là ở các thị trấn, thành phố.

Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú THPT Kiên Giang biểu diễn văn nghệ. ảnh 2

Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú THPT Kiên Giang biểu diễn văn nghệ.

Tình trạng quá tải học sinh ở các trường mẫu giáo, mầm non; việc thiếu biên chế kéo dài liên tục trong nhiều năm chưa có giải pháp khắc phục; nhiều cơ sở giáo dục mầm non phải hợp đồng giáo viên nhưng cũng chỉ đảm bảo tỷ lệ 1 giáo viên cho một lớp dạy 2 buổi/ngày.

Công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường một số nơi còn hạn chế; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chưa được giải quyết; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới…

Chia sẻ định hướng trong thời gian tới, Ông Trần Quang Bảo cho biết: Ngành Giáo dục Kiên Giang tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI). Trong đó chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, đặc biệt giáo dục phẩm chất, năng lực sáng tạo, tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng phát triển, ý chí xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng cơ chế, chính sách tuyển dụng giáo viên các cấp phù hợp, tránh thừa, thiếu cục bộ. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhất là của lãnh đạo Ngành, lãnh đạo các địa phương về tầm quan trọng của đổi mới giáo dục và đào tạo. Làm tốt công tác quản lý, sử dụng biên chế, thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định.

Tiếp tục thực hiện tốt giáo dục quốc dân và công tác phân luồng học sinh sau trung học. Đa dạng hóa loại hình đào tạo, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Bảo đảm ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa.

Tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xem xét, bổ sung số lượng người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập; kiến nghị Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong thẩm quyền liên quan đến định mức nhà giáo, quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Phấn đấu đến năm 2025 có trên 60% trường mầm non, trường tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia. Củng cố, hoàn thiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp phục vụ khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, gắn đào tạo với giải quyết việc làm và yêu cầu của cách mạng công nghệ lần thứ tư, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiên Giang quan tâm phát triển giáo dục vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc