Kiến tạo chính sách để khơi thông làn sóng công nghệ và đổi mới sáng tạo

26/01/2023, 07:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mặc dù hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) có nhiều tính đặc thù (bản chất nghiên cứu khoa học là có tính mới, tính rủi ro và có độ trễ) nhưng Bộ KH&CN đã và đang nỗ lực thiết kế nhiều chính sách nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” để KHCN và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực, nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Bộ trưởng đã nhiều lần nhấn mạnh không thể nào 100% nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu đều thành công. Nhiều kết quả nghiên cứu thành công vẫn cần tiếp tục được đầu tư nguồn lực để phát huy trong thực tế. Trong khi đó, một hướng nghiên cứu không thành công cũng là đóng góp có giá trị. Được biết, Bộ KH&CN đã có kế hoạchtái cơ cấu chương trình KH&CN quốc gia. Vậy việc tái cơ cấu sẽ như nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Nhìn ra thế giới, chúng ta đều thấy là những giải pháp công nghệ, dù ở trong khuôn viên doanh nghiệp hay trong các trường viện, đều gặp nhau ở một điểm, đó là càng hứa hẹn nhiều đột phá thì càng có nhiều rủi ro; giải pháp càng được đóng gói một cách hoàn hảo theo tiêu chuẩn tối ưu về chi phí nguyên liệu đầu vào, quy trình vận hành, nhân công, hiệu quả về sản phẩm, đem lại lợi nhuận kinh tế… thì càng phải được phát triển theo nhiều bước, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức.

Tuy vậy, cách thiết kế các Chương trình KH&CN quốc gia trước đây chưa chấp nhận rủi ro cũng như chưa cho phép đầu tư dài hơi. Do đó, khi tiến hành tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia lần này, Bộ KH&CN xác định thiết kế các đề tài, nhiệm vụ hướng đến việc làm ra các công nghệ mới, các giải pháp mới, có thể thực hiện trong khoảng thời gian 10 năm thay vì 5 năm như trước; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN trên tinh thần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện cho khoán sản phẩm và hậu kiểm, gắn kết chặt chẽ với thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra…

Cũng ở lần tái cơ cấu này, Bộ KH&CN đã cùng với các bộ, ngành liên quan bàn bạc tháo gỡ các vướng mắc để giảm bớt thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ xét duyệt đề tài, thủ tục thanh quyết toán cũng như vấn đề về xử lý tài sản hình thành từ đề tài do ngân sách nhà nước tài trợ để chuyển giao hoặc hoàn trả lại cho nhà nước. Trước mắt, Bộ KH&CN đã thay thế một loạt các thông tư để dỡ bỏ các quy định phức tạp trước đây.

Tuy nhiên, chúng ta đều biết là vẫn còn một số quy định trong các thông tư, nghị định khác của Chính phủ và một số luật nên việc sửa đổi cho đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật cần đến rất nhiều nỗ lực nữa. Đơn cử như Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước liên quan đến Luật Quản lý sử dụng tài sản công.

Chúng tôi hi vọng là trong thời gian tới, tất cả các vướng mắc sẽ được khơi thông để làn sóng công nghệ và đổi mới sáng tạo từ trường, viện đến được với doanh nghiệp và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ.

"Mở kho" công trìnhnghiên cứukhoa học

Nhiều doanh nghiệp đề nghị nhà nước "mở kho" công trìnhnghiên cứukhoa học để cộng đồng doanh nghiệp khai thác. Vậy chúng ta có chính sách nào để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác nguồn tài sản trí tuệquan trọng này một cách hiệu quả, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Để giúp doanh nghiệp tiếp cận được với những công nghệ mới đồng thời tạo thuận lợi cho quá trình chuyển giao công nghệ từ viện, trường vào doanh nghiệp thì cách làm hiệu quả nhất là chúng ta tạo điều kiện mở các tài sản trí tuệ được hình thành từ đề tài nghiên cứu do ngân sách nhà nước tài trợ.

Bên cạnh những chính sách tôi vừa nói ở trên, trong năm vừa qua, Bộ KH&CN cũng đã sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay về mặt pháp lý và thực tiễn.

Khi hoạt động chuyển giao công nghệ thương mại hóa sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí càng phát triển, các doanh nghiệp càng có điều kiện nâng cao năng lực, áp dụng các công nghệ mới và tạo ra những sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường. Khi đó có một hệ quả kép là mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước qua thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như các lợi ích về kinh tế, xã hội khác là thúc đẩy phát triển các lĩnh vực ngành nghệ, tạo ra công ăn việc làm... cho người lao động.

Chính sự phát triển này sẽ quay trở lại thúc đẩy sự phát triển về KH&CN ở các trường đại học, viện nghiên cứu. Khi đó, các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm phát triển công nghệ thực sự là một thành phần quan trọng đóng góp vào hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và sẽ nhận được nhiều nguồn đầu tư hơn, không chỉ từ ngân sách nhà nước như trước.

Mặc dù vậy, việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sáng chế hình thành từ ngân sách nhà nước còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện, quy định khác như các quy định về đầu tư công, ngân sách nhà nước, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị hành chính, tổ chức sự nghiệp công lập, trách nhiệm pháp lý khi triển khai cũng như các yếu tố của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước, chất lượng các nghiên cứu, sáng chế, khả năng tiếp tục phát triển cũng như hấp thụ công nghệ…

Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng cơ chế và đề xuất triển khai áp dụng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một số dự án khoa học và công nghệ. Trong năm 2023, sẽ tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất kinh doanh.

Nhìn vào thực tế, chúng ta thấy rằng khu vực doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu có những điểm sáng. Một số tập đoàn và doanh nghiệp đã bắt đầu dành nguồn đầu tư đáng kể cho R&D, trong đó có đầu tư dài hạn cho khoa học cơ bản. Một số nghiên cứu cơ bản đã được họ đầu tư đủ lâu và đủ sâu để trở thành những ứng dụng công nghệ hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh, thậm chí tạo cơ sở hình thành các công ty khởi nguồn (spin off).

Đó là cơ sở cho chúng ta tin tưởng rằng khi những chính sách mới thực sự hữu ích được triển khai thì các doanh nghiệp với bản lĩnh và sự nhạy bén của mình sẽ có nhiều đầu tư đáng kể hơn nữa cho nguồn lực KH&CN và phát huy ngày càng hiệu quả nguồn lực này phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


Theo baochinhphu.vn
http://baochinhphu.vn/kien-tao-chinh-sach-de-khoi-thong-lan-song-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-102230118131627861.htm
Copy Link
http://baochinhphu.vn/kien-tao-chinh-sach-de-khoi-thong-lan-song-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-102230118131627861.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiến tạo chính sách để khơi thông làn sóng công nghệ và đổi mới sáng tạo