Kinh nghiệm dạy ôn tập hiệu quả môn Giáo dục công dân

Hải Bình | 13/04/2023, 07:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cô Trịnh Thị Hiên, Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy, ôn tập môn Giáo dục công dân thi tốt nghiệp THPT.

Phân loại học sinh để có phương pháp phù hợp

Chia sẻ về phương pháp ôn tập môn Giáo dục công dân, cô Trịnh Thị Hiên cho rằng, giáo viên cần tăng cường trao đổi, đàm thoại, vấn đáp trực tiếp với học sinh (kỹ thuật dạy học Tia chớp...); buộc học sinh phải chuẩn bị bài trước khi đến lớp, như vẽ sơ đồ tư duy trước khi lên lớp. Thầy cô yêu cầu học sinh học thuộc lòng các khái niệm, các định nghĩa trong từng chủ đề, từng nội dung kiến thức của các bài học.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, cô Trịnh Thị Hiên đồng thời lưu ý tăng cường luyện đề theo cấu trúc của Bộ GD&ĐT. Kết thúc mỗi chủ đề, giáo viên hệ thống lại kiến thức trọng tâm, phát phiếu câu hỏi trắc nghiệm để học sinh luyện. Sau đó hướng dẫn các em kỹ năng làm đề. Giáo viên chữa bài chi tiết, cẩn thận, chỉ ra những nhầm lẫn, sai sót để các em nhận rõ lỗi mình mắc phải và biết cách khắc phục.

Khi giảng dạy, ôn thi, giáo viên tránh đưa ra hàng loạt câu hỏi dễ, sau đó là một loạt câu hỏi khó. Điều đó dễ dẫn đến tâm trạng "coi thường" hoặc chán nản của học sinh khi học tập, hiệu quả giờ dạy ôn tập không cao.

Điều đặc biệt quan trọng là phân loại học sinh để có phương pháp phù hợp. Chẳng hạn, với học sinh khá, giỏi đã nắm vững kiến thức lý thuyết, giáo viên đưa ra các dạng bài ôn tập ở mức cao hơn. Học sinh lười học, lơ mơ, cần giúp các em nắm thật chắc lý thuyết trước.

Bên cạnh đó, thầy cô có thể giao đề trên các phần mềm để học sinh làm thêm như shub classroom, giới thiệu thêm cho học sinh các kênh ôn thi hiệu quả. Tích cực học hỏi, trao đổi, chia sẻ tài liệu ôn thi với đồng nghiệp trong và ngoài trường, ngoài tỉnh.

Kinh nghiệm dạy ôn tập hiệu quả môn Giáo dục công dân ảnh 1

Ôn tập có trọng tâm trọng điểm

Về nội dung kiến thức, cô Trịnh Thị Hiên nhấn mạnh việc nắm chắc nội dung chương trình thi để ôn tập có trọng tâm trọng điểm. Những năm gần đây, đề thi tốt nghiệp THPT môn Giáo dục công dân về cơ bản ổn định. Nội dung thi chủ yếu tập trung vào chương trình lớp 12 chiếm 90% (36/40 câu), còn lại là chương trình lớp 11 chiếm 10% (4/40 câu).

Kiến thức lớp 11 tập trung toàn bộ trong học kỳ 1 ( bài 1,2,3,4,5); lớp 12, kiến thức phủ cả kỳ 1 và kỳ 2. Vì vậy, giáo viên cần lên kế hoạch thời lượng ôn tập sao cho tương xứng với với tỷ lệ kiến thức.

Đầu tháng 3/2023, Bộ GD&ĐT đã công bố đề tham khảo. Về cấu trúc, tỷ lệ mức độ nhận thức là 50% nhận biết, 25% thông hiểu, 15% vận dụng, 10% vận dụng cao. Đề đi sâu vào các vấn đề trọng tâm và không ra vào phần tinh giản theo các hướng dẫn của Bộ những năm gần đây. Như vậy cấu trúc này không thay đổi so với năm trước.

Vì phần nhận biết và thông hiểu chiếm trên 75%, do đó cô Trịnh Thị Hiên cho rằng, giáo viên cần tăng cường thời gian ôn tập nội này. Đặc biệt lưu ý tỷ lệ các mức độ nhận thức ở các bài.

Cũng cần nghiên cứu giới hạn bài và giới hạn mức độ nhận thức để phân bổ thời gian. Bài có số lượng câu hỏi nhiều và nhiều cấp độ nhận thức thì dành thời gian ôn nhiều hơn (bài 2, bài 6, bài 7 lớp 12). Tuy nhiên, không được coi đề tham khảo là căn cứ duy nhất để chỉ ôn những kiến thức có trong đề tham khảo.

Lưu ý với học sinh

Đưa lời khuyên tới học sinh để ôn tập hiệu quả môn Giáo dục công dân, cô Trịnh Thị Hiên nhấn mạnh đầu tiên đến yếu tố tâm lý. Theo đó, hãy luôn suy nghĩ tích cực, và tìm điểm mạnh của bản thân để phát huy.

Về cách ôn bài, học sinh nên tổng hợp các kiến thức, so sánh các nội dung với nhau. Học bằng cách truyền đạt cho bạn. Cứ mỗi 2 tuần ôn lại kiến thức và tổng hợp kiến thức.

Trong quá trình làm bài, học sinh đọc kỹ đề, hiểu được vấn đề được hỏi, liên hệ với tình huống thực tế để hiểu dễ dàng hơn. Nhận biết, thông hiểu chiếm 75%, mức độ câu hỏi dễ nên không cần suy luận cao siêu, cứ nhớ lại những kiến thức đã được học.

Câu hỏi xử lý tình huống, phân hóa, vận dụng tổng hợp nhiều kiến thức, học sinh phải biết so sánh, tổng hợp, phân tích; vì vậy, hãy sử dụng phương pháp loại trừ.

Câu hỏi về luật mà không biết xử lý, học sinh hãy đặt mình vào tình huống đó, vào vị trí của người bị xâm phạm quyền và lợi ích và hãy xử lý theo chuẩn mực đạo đức thì thường đáp án đó sẽ đúng.

Đối với các câu hỏi tình huống dài, hãy đọc câu hỏi trước. Câu nào chắc chắn hãy mạnh dạn khoanh. Đánh dấu những câu không chắc chắn để quay trở lại làm sau khi đã hoàn thành các câu hỏi khác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh nghiệm dạy ôn tập hiệu quả môn Giáo dục công dân