Kinh nghiệm tăng chất, nâng hạng GD Đại học trên thế giới

30/09/2023, 13:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các bảng xếp hạng đại học thế giới là một trong những thước đo uy tín đánh giá chất lượng đào tạo và NCKH của các cơ sở GD ĐH trên toàn cầu.

Có nhiều yếu tố giúp các trường đại học tranh “chỗ đứng” hoặc giữ vững vị trí trên các bảng xếp hạng này.

Gia tăng sự góp mặt của châu Á

Việc xếp hạng đại học bắt đầu từ những năm 1980, khi các quốc gia sử dụng một số chỉ số như danh tiếng học thuật, kết quả tuyển sinh, học tập của sinh viên... để xếp hạng và phản ánh chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học. Mở rộng từ đây, các bảng xếp hạng đại học thế giới ra đời trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu cạnh tranh gay gắt và xu hướng sinh viên du học ngày càng tăng.

Năm 2003, Bảng xếp hạng Học thuật của các trường đại học thế giới (ARWU) là cơ quan đầu tiên đánh giá chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đại học. Theo sau ARWU là những cái tên nổi tiếng khác như Bảng xếp hạng Đại học thế giới của QS (Quacquarelli Symonds), Bảng xếp hạng Đại học thế giới của THE (Times Higher Education)...

Có nhiều tiêu chí để xếp hạng các trường đại học. Theo QS, các tiêu chí đánh giá một trường đại học gồm danh tiếng học thuật, tỷ lệ giảng viên/sinh viên, trích dẫn nghiên cứu, tỷ lệ giảng viên, sinh viên quốc tế, mạng lưới nghiên cứu quốc tế, kết quả việc làm của sinh viên...

Còn bảng xếp hạng của THE dựa trên những tiêu chí như giảng dạy (môi trường học tập), nghiên cứu (khối lượng, thu nhập và danh tiếng), trích dẫn (sức ảnh hưởng của nghiên cứu), triển vọng quốc tế (nhân viên, sinh viên và nghiên cứu), thu nhập của ngành (chuyển giao tri thức)...

Trong những năm gần đây, châu Á đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực giáo dục đại học. Bằng chứng là ngày càng nhiều trường đại học của các quốc gia châu Á như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản... góp mặt trong các bảng xếp hạng thế giới.

Đáng chú ý, trong Bảng xếp hạng Đại học thế giới QS năm 2024, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đứng thứ 8. Kết quả này đưa NUS trở thành trường đại học châu Á đầu tiên nằm trong top 10, vốn do các trường đại học Mỹ và Anh thống trị.

Một trong những nguyên nhân là các quốc gia châu Á duy trì đầu tư ổn định cho giáo dục và nghiên cứu khoa học. Đơn cử, giai đoạn 2019 – 2020, Trung Quốc tăng thêm 12% ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học. Chính phủ Nhật Bản dự kiến huy động vốn 10 nghìn tỷ yên cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học. Tại Malaysia, chính phủ trích 20% tổng ngân sách quốc gia năm 2021, tương đương 64,8 tỷ ringgit cho giáo dục.

Đầu tư ổn định cho giáo dục góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của các trường đại học; cải thiện cơ sở vật chất, cung cấp nhiều học bổng để thu hút sinh viên trong và ngoài nước; tăng sự đầu tư cho nghiên cứu khoa học...

Ngoài ra, để nâng cao thứ hạng trong các bảng xếp hạng quốc tế, các trường đại học cũng mở rộng số lượng chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Tại Singapore, với ưu thế quốc gia có 4 ngôn ngữ chính thức (tiếng Anh, Malay, Quan Thoại, Tamil), hầu hết các chương trình đào tạo đại học đều bằng tiếng Anh. Các nghiên cứu khoa học cũng được trình bày bằng tiếng Anh.

Ấn Độ, Philippines xây dựng ngày càng nhiều chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Ngay cả Nhật Bản cũng đang thiết kế các khóa học bằng tiếng Anh để thu hút sinh viên quốc tế như y học, kỹ thuật, công nghệ...

Việc giảng dạy bằng tiếng Anh còn góp phần thu hút sinh viên, giảng viên quốc tế đến nước này học tập và làm việc. Đây là một lợi thế với Singapore vì hầu hết các bảng xếp hạng hiện nay đều đánh giá về chỉ số quốc tế của các trường đại học, trong đó có tỷ lệ thu hút sinh viên, giảng viên quốc tế hay các nghiên cứu khoa học được công bố quốc tế.

Bên cạnh đó, tăng cường quốc tế hóa giáo dục cũng được các trường đại học lưu tâm. Điều này góp phần tăng tiêu chí về tính quốc tế cho họ khi tham gia danh sách. Ví dụ, theo đánh giá của các tác giả nghiên cứu QS, Trung Quốc đang tăng cường quốc tế hóa giáo dục qua nhiều cách như thu hút sinh viên quốc tế đến học tập, tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục nước ngoài, trao đổi sinh viên...

Một yếu tố khác giúp các trường đại học châu Á nâng thứ hạng là đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Trong xếp hạng đại học quốc tế, tiêu chí về nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế là những điểm quan trọng, góp phần thể hiện chất lượng giáo dục và danh tiếng của trường.

Đại học Quốc gia Singapore là ngôi trường đầu tiên của châu Á lọt top 10 trường thế giới do QS bình chọn. Ảnh: ITN ảnh 1
Đại học Quốc gia Singapore là ngôi trường đầu tiên của châu Á lọt top 10 trường thế giới do QS bình chọn. Ảnh: ITN

3 yếu tố giúp duy trì thứ hạng

Theo các chuyên gia tại Forbes, qua nghiên cứu các trường đại học thường xuyên lọt top 10 như Harvard, MIT, Caltech, Oxford hay Cambridge... có 3 yếu tố khiến các trường duy trì thứ hạng này.

Thứ nhất, lĩnh vực giáo dục đại học tập trung cao độ vào giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên tài năng. Hầu hết, các trường tốp đầu tuyển sinh và tuyển dụng giảng viên không quan tâm đến quốc tịch, màu da hay tôn giáo. Điều này cho phép họ tìm kiếm những người tài năng nhất, có ý tưởng và cách tiếp cận giáo dục mới mẻ.

Yếu tố thứ 2 là ngân sách dồi dào. Các trường hàng đầu có nhiều nguồn thu tài chính như đầu tư của chính phủ cho chi tiêu và nghiên cứu; hợp đồng nghiên cứu với tổ chức công, tư nhân; các khoản tài trợ; học phí... Trường đại học Mỹ thường xuyên đứng đầu các bảng xếp hạng vì họ có nguồn tài trợ lớn, trang trải chi phí trước mắt và cho phép tập trung nâng cao chất lượng. Giảng viên có thể yên tâm làm nghiên cứu khoa học vì được chính phủ tài trợ.

Yếu tố thứ 3 là sự kết hợp giữa tự do, tự chủ và khả năng lãnh đạo. Các trường đại học hàng đầu thế giới phát triển mạnh mẽ trong một môi trường cạnh tranh, nghiên cứu khoa học không giới hạn, tư duy phản biện, đổi mới và sáng tạo. Các tổ chức có quyền tự chủ hoàn toàn cũng linh hoạt hơn vì không bị phụ thuộc. Kết quả, họ có thể quản lý nguồn lực một cách hiệu quả, nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường.

Tuy nhiên, bảng xếp hạng các trường đại học không phải thước đo duy nhất đánh giá chất lượng của các cơ sở giáo dục. Ngày càng nhiều trường đại học mong muốn rút khỏi danh sách này vì họ cho rằng các tiêu chí đánh giá không bao quát và công bằng. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị khi muốn đánh giá một cơ sở giáo dục đại học, sinh viên, giảng viên cần quan tâm đến nhiều yếu tố bên cạnh thứ tự xếp hạng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh nghiệm tăng chất, nâng hạng GD Đại học trên thế giới