Lai Châu: Dạy - học linh hoạt khi F0 tăng

Hà Thuận | 05/03/2022, 12:34
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dịch bệnh ở tỉnh Lai Châu đang diễn biến phức tạp khi số ca F0 mới trong trường học liên tục tăng cao.

Tiết học Toán của cô trò Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn. Tiết học Toán của cô trò Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn.

Địa phương này đã kịp thời thích ứng, linh hoạt lựa chọn các hình thức dạy học phù hợp để đảm bảo tiến độ chung.

Dạy – học theo đặc thù

Tính đến ngày 3/3, ngành GD-ĐT tỉnh Lai Châu ghi nhận 2.337 ca F0 trong trường học. Trong đó, có 1.913 ca là học sinh. Số trường hợp nguy cơ cao còn nhiều khi có trên 11 nghìn F1.

Ông Lò Việt Tuyển, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu - cho biết: “Căn cứ vào tình hình dịch bệnh, ngành GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp với đặc thù ở mỗi địa phương. Cùng với đó, tiếp tục tận dụng tối đa thời gian để tổ chức dạy học trực tiếp, đảm bảo chất lượng và kế hoạch năm học”.

Năm học này, thành phố Lai Châu có 30 trường với gần 13 nghìn học sinh. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, phòng GD&ĐT thành phố chỉ đạo các trường chủ động thích ứng để linh hoạt trong giảng dạy. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Bà Tạ Đặng Phượng, Trưởng phòng GD&ĐT TP Lai Châu, nói: “Đối với cấp mầm non và THCS, các hoạt động chăm sóc, giáo dục và bán trú vẫn diễn ra bình thường. Còn bậc tiểu học, các trường chỉ dạy 1 buổi/ngày. Mỗi trường đều chủ động xây dựng kế hoạch dạy học riêng, phù hợp với đơn vị. Tất cả phải đảm bảo bám sát yêu cầu từng bài giảng và chủ đề của môn học”.

Tại Trường Tiểu học số 1 (thành phố Lai Châu), thay vì dạy học 2 buổi như trước đây, từ ngày 28/2 đã chuyển sang dạy học vào buổi sáng. Buổi chiều học sinh tự ôn tập tại nhà.

“Những lớp có học sinh F0, trường sẽ cho nghỉ và chuyển sang dạy học trực tuyến. Các lớp đi học trực tiếp, chúng tôi chỉ đạo giáo viên chủ động dạy học những kiến thức cốt lõi, kết hợp với giao bài tập về nhà” – cô Trần Thị Màu, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Trường Tiểu học thị trấn Nậm Nhùn (huyện Nậm Nhùn) hiện có 23 F0 (20 học sinh). 7 lớp của trường đang học trực tiếp, 5 lớp còn lại phải học trực tuyến vì thiếu giáo viên đứng lớp. Cô Trần Thị Trang là một trong số các F0 của trường cảm thấy sức khỏe vẫn đảm bảo nên cô chủ động đăng ký dạy học trực tuyến. “Do không có giáo viên dạy thay nên tôi vẫn đăng ký đứng lớp dạy trực tuyến. Tôi cũng chỉ mong sao các em bắt kịp tiến độ của chương trình năm học”, cô Trang chia sẻ.

Theo cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường, học sinh F0 nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe, có điều kiện tham gia học tập sẽ tham gia học trực tuyến cùng với các bạn trong lớp. Còn những em không có điều kiện, nhà trường sẽ bố trí giao phiếu bài tập về nhà.

Cuối tháng 2, các trường ở huyện Mường Tè ghi nhận 88 F0. Chỉ mấy ngày sau, các F0 liên tục tăng cao (128 ca), địa phương này buộc phải cho toàn bộ 36 trường trên địa bàn dừng đến trường.

“Số lượng F0 tăng cao, phòng đã cho các trường nghỉ học để phòng chống dịch. Việc kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến chỉ có thể thực hiện trên địa bàn thị trấn”, ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè cho biết.

Linh hoạt lựa chọn hình thức dạy học phù hợp.

Nỗ lực hoàn thành nội dung chương trình

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, ngay từ đầu năm học, Lai Châu đã chỉ đạo quyết liệt, toàn ngành tận dụng tối đa “thời gian vàng” để dạy học thích ứng.

“Toàn ngành đã tranh thủ tối đa quãng thời gian an toàn để dạy học trực tiếp. Trong thời gian đó, các trường tổ chức dạy học đảm bảo nội dung cơ bản, cốt lõi. Đến nay, cấp THCS, THPT đã tổ chức dạy học nội dung cốt lõi đạt trên 85%. Cấp mầm non, tiểu học đạt trên 90%” – ông Lò Việt Tuyển thông tin.

Là giáo viên lớp 4, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn, cô Nguyễn Thị Tuyến chia sẻ: “Chúng tôi đã và đang tập trung vào những nội dung cốt lõi để giảng dạy. Đối với môn Toán của chương trình lớp 4, có 6 chương thì chúng tôi đang giải quyết 4 chương cơ bản. Hai chương còn lại sẽ dạy bổ sung sau”.

Còn tại Trường THCS Mường Cang (huyện Than Uyên), giáo viên ở đây đã dạy xong toàn bộ những nội dung quan trọng. “Chúng tôi đang giao giáo viên tập trung giảng dạy những nội dung phụ trợ”, thầy Tạ Xuân Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi.

Ông Tuyển cho biết, trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục cần tiếp tục tổ chức dạy học để đảm bảo ít nhất xong phần kiến thức của nội dung cơ bản, quan trọng (dự kiến kết thúc trong khoảng từ 4 đến 5 tuần). Sau đó, sẽ tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức theo chương trình để kiểm tra học kỳ II. “Việc tiếp tục mở cửa trường học để học sinh đến trường trong thời điểm này là hợp lý và cần thiết. Khi mở cửa, các đơn vị phải có giải pháp bảo đảm an toàn nhất cho học sinh. Đảm bảo chất lượng giáo dục được duy trì và nâng cao, chương trình năm học kết thúc đúng thời gian quy định” – ông Lò Việt Tuyển nói.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lai Châu: Dạy - học linh hoạt khi F0 tăng