Cũng tại biểu lãi suất huy động mới, VPBank còn tăng lãi suất của sản phẩm tiết kiệm Prime Savings với lãi suất phân kỳ tháng đầu và các tháng sau. Trong đó, mức lãi suất tối đa nhà băng này đưa ra cho sản phẩm tiền gửi này là 11,1%/năm áp dụng trong tháng đầu tiên của các khoản tiền gửi kỳ hạn 36 tháng, từ các tháng sau, mức lãi suất được điều chỉnh ở mức 9,25%/năm. Với các kỳ hạn thấp hơn, lãi suất VPBank đưa ra dao động quanh mức 10,22-11,07%/năm trong tháng đầu và 8,52-9,22%/năm trong các tháng tiếp theo.
Sacombank mới đây cũng đưa ra biểu lãi suất huy động áp dụng từ ngày 17/11 với mức tăng 0,2 điểm % ở hầu hết kỳ hạn.
Trong đó, nhà băng này tiếp tục duy trì lãi suất tiền gửi online kịch trần cho phép 6%/năm với các kỳ hạn 1-5 tháng. Từ kỳ hạn 6 tháng trở đi, nhà băng này đưa ra mức lãi suất 8,5-9,1%/năm. Với các khoản tiền gửi online 15 tháng trở lên, Sacombank chấp nhận trả mức lãi 9,2%/năm, cũng cao hơn 0,2 điểm % so với biểu lãi suất trước đó.
- Biểu lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng tại các ngân hàng (tính cả kênh online và kênh quầy):
Dưới 7%/năm | 7% đến dưới 8%/năm | 8% đến dưới 9%/năm | 9%/năm trở lên |
BIDV, Agribank, Vietcombank | ABBank, VietinBank, DongABank, HDBank, PVComBank, TPBank | ACB, BacABank, Vietcapital Bank, LienVietPostBank, MBBank, MSB, NamABank, OceanBank, SHB, Saigonbank, Sacombank, VietBank, VIB, VPBank | Baoviet Bank, PGBank, Kienlongbank, NCB, OCB, PGBank, SCB, Techcombank |
Tương tự, biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân trên kênh online áp dụng tại Kienlongbank từ ngày 18/11 đã ghi nhận mức tăng ở hầu hết kỳ hạn 0,3-0,7 điểm %.
Trong đó, lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng tại nhà băng này đầu tháng 11 ở mức 8,8-8,9%/năm đến nay đã tăng lên 9,1-9,2%/năm. Lãi suất gửi 12 tháng hiện ở mức 9,5%/năm, tăng 0,6 điểm % so với đầu tháng; kỳ hạn 13-15 tháng tăng 0,7 điểm %, cố định ở mức 9,6%/năm.
Theo khảo sát của Zing, sau khi một loạt ngân hàng nâng lãi suất huy động 6 tháng lên trên 8%/năm hồi cuối tháng 10, hiện nhiều nhà băng đã nâng mức lãi suất kỳ hạn này lên trên 9%/năm. Ngoài các ngân hàng kể trên, một loạt nhà băng khác đang chấp nhận chi trả mức lãi suất cao này là OCB (9%/năm); Baoviet Bank, Kienlongbank, PGBank (9,1%/năm); GPBank (9,3%/năm) hay SCB (9,35%/năm)…
Trong khi đó, nếu tính từ mốc 8%/năm trở lên, hiện toàn thị trường có hơn 22 ngân hàng đưa ra mức lãi suất này. Trong đó bao gồm nhiều ngân hàng quy mô lớn như ACB, LienVietPostBank, OCB, SCB, SHB, Sacombank, VIB...
Theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất huy động phổ biến của kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng hiện đã dao động quanh mức 8-9%/năm và 10-10,5% tại các ngân hàng thương mại cổ phần.
Tình trạng này có thể được giải thích một phần do vòng quay tiền mặt tại các khách hàng doanh nghiệp giảm đi đáng kể cùng với những thách thức trong việc huy động vốn và vay vốn của ngân hàng.
Tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản đã khiến 7-8% tổng tín dụng bị mắc kẹt, trong khi đó hạn mức tăng trưởng tín dụng tương đối hạn chế đã dẫn đến dư địa để các ngân hàng giải ngân cho các lĩnh vực khác không còn dư dả.
Các chuyên gia tại đây không loại trừ khả năng NHNN sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa để duy trì môi trường tỷ giá ổn định. Khi đó, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng lên và lãi suất cho vay sẽ điều chỉnh trong 3-6 tháng tiếp theo.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...