Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, lãi suất 10%/năm đã biến mất khỏi thị trường. Thậm chí, nhiều ngân hàng hạ lãi suất cao nhất xuống sâu hơn mức yêu cầu 9,5%/năm của cơ quan quản lý tiền tệ.
Tại GPBank, tuần trước ngân hàng này vẫn còn niêm yết mức lãi suất cao nhất tại quầy 10%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Đến hiện tại, lãi suất cao nhất đã được ngân hàng này hạ xuống còn 9,5%/năm. Tại SeABank, tính đến cuối tuần trước, lãi suất cao nhất tại quầy được nhà băng này niêm yết là 9,2%. Đến hiện tại, con số này chỉ còn 8,2%/năm.
Một số ngân hàng khác cũng đang có mức lãi suất tiền gửi 12 tháng cao nhất thấp hơn yêu cầu của cơ quan quản lý như VPBank (9,2%/năm), Techcombank (8,8%/năm), MB (8,2%/năm), MSB (9,3%/năm)...
Theo khảo sát tại kỳ hạn 6 tháng, lãi tiết kiệm tại quầy cao nhất đang được ngân hàng Đông Á niêm yết ở mức 9,35%/năm. Đây cũng là nhà băng có lãi tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 9 tháng ở mức 9,45%/năm.
Với kênh lãi tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng, PVcomBank và SCB đang có lãi tiết kiệm cao nhất 9,5%/năm. Tại kỳ hạn 9 tháng, PVcomBank có lãi tiết kiệm cao nhất 9,5%, đứng ngay sau là SCB, Bảo Việt, Kiên Long với mức lãi tiết kiệm 9,4%/năm.
Tại kỳ hạn 12 tháng khi gửi tại quầy, không có ngân hàng nào niêm yết lãi suất vượt 9,5%/năm. Có hơn 10 nhà băng niêm yết lãi suất từ 9%/năm đến 9,5%/năm có thể kể đến như GPBank, Bắc Á, Bảo Việt, Đông Á, Indovina, Kiên Long, OceanBank, PGBank, PVcomBank, Saigonbank và SCB...
Còn nếu gửi online, chỉ có một số đơn vị vẫn cho khách hàng mức lãi suất cao nhất lên 9,5%/năm là Bảo Việt, Kiên Long, PvcomBank, SCB, NamABank, PGBank và VietBank.
Trước đó, các chuyên gia ở một số công ty chứng khoán từ trước đó cũng dự báo mặt bằng lãi suất ngân hàng sẽ có xu hướng giảm dần trong năm nay, nhất là từ nửa cuối năm. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng trước động thái mạnh tay của cơ quan quản lý tiền tệ, lãi suất huy động tiền gửi sẽ dần giảm nhiệt.