Theo Ngân hàng Nhà nước, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành nêu trên là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Cụ thể, các "ông lớn" gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đều niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng chỉ có 4,9%/năm, các kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng là 5,4%/năm, thấp hơn so với trần lãi suất. Lãi suất gửi cao nhất tại 4 ngân hàng này là 7,2%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Bản Việt cũng vừa giảm lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng từ 0,2 đến 1 điểm % so với mức lãi suất trước đó. Mức lãi suất tối đa áp dụng cho các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng tại Bản Việt là 4,7%/năm. Các kỳ hạn còn lại mức lãi suất cao nhất 8,7%/năm. Riêng đối với kỳ hạn từ 36 tháng - 60 tháng, mức lãi suất niêm yết cao nhất 8,8%/năm. Đây là lần giảm lãi suất mạnh nhất trong 5 lần giảm lãi suất tiền gửi từ đầu năm 2023 đến nay, theo Bản Việt, phù hợp chủ trương tiết giảm chi phí vốn để tiếp tục giảm lãi suất vay.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn tại quầy và online về 5,5%/năm theo quy định. Đối với các kỳ hạn dài hạn, lãi suất gửi online cao nhất tại Nam A Bank là 8,7%/năm khi khách gửi từ 12-14 tháng; trong khi lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy ở mức 8,1%/năm áp dụng các kỳ hạn từ 14-23 tháng…
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, nhận định động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp khiến cho mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại giảm rất rõ nét. Trong 1 tháng qua, lãi suất huy động của các ngân hàng giảm từ 0,5 - 1 điểm %, là mức giảm đáng kể. Dù vậy, để xu hướng này ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay cần một khoảng thời gian khi mặt bằng lãi suất huy động thấm dần vào nền kinh tế, từ đó tiến tới giảm dần lãi suất cho vay.