Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn lần lượt 6,4%/năm và 6,6%/năm.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tiếp tục giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm xuống còn 6,8%/năm. Cũng với mức giảm này, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên còn 7%/năm, mức cao nhất tại Kiên Long Bank ở thời điểm này.
Đến ngày 28/7, thậm chí đã có 26 ngân hàng giảm lãi suất huy động trong tháng 7, gồm: Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, ABBank, Bắc Á Bank, BVBank, Saigonbank, SHB, Nam Á Bank, Eximbank, LPBank, VPBank, OCB, VietBank, OceanBank, MSB, SeABank, GPBank, PVCombank, NCB, HDBank, Bảo Việt Bank, Kiên Long Bank và Techcombank, TPBank.
Trong đó SeABank, MSB, BacA Bank, GPBank, TPBank, OCB, Eximbank, ABBank và VietBank, Kiên Long Bank đã hai lần giảm lãi suất tiết kiệm. Riêng NamA Bank và MSB đã 3 lần giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng 7.
Khảo sát biểu lãi suất tiết kiệm niêm yết trên website của các ngân hàng cho thấy, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn được các ngân hàng áp dụng ở mức 0,2% đến 0,5%/năm.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng cao nhất là 4,75%/năm, được áp dụng bởi các ngân hàng: Bắc Á, VIB, PGBank, NCB, Oceanbank, Saigonbank, SCB… Tại kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất 4,75%/năm cũng được các ngân hàng nói trên áp dụng.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng cao nhất hiện nay thuộc về VietBank (7,4%/năm), VietABank (7,4%/năm). Các ngân hàng huy động tiền gửi 6 tháng với mức lãi suất 7,3%/năm là CBBank, GPBank, PGBank… Các mức lãi suất huy động này đã giảm khoảng 0,3% so với cuối tháng 6.
Tại kỳ hạn từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng, mức lãi suất được hầu hết các ngân hàng áp dụng trong khoảng từ 6,4%/năm đến 6,9%/năm. Lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay cho kỳ hạn 12 tháng đang là 7,6%/năm tại CBBank.
Đối với kỳ hạn dài hơn từ 18-24 tháng, lãi suất cao nhất là 8%/năm được ngân hàng PublicBank áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng và 7,7% được OceanBank áp dụng cho kỳ hạng 24 tháng.
Việc các ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm đã khiến nhu cầu mang tiền nhàn rỗi gửi lấy lãi của người dân có xu hướng chậm lại. Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố, trong tháng 5 vừa qua, tiền gửi của người dân tại ngân hàng tăng ròng chỉ khoảng 14.700 tỷ đồng, thấp hơn hẳn mức tăng bình quân trên 110.000 tỷ mỗi tháng giai đoạn 4 tháng đầu năm.