Năm 2022, trước kỳ thi, tài khoản này đăng dòng trạng thái: "Cuối cùng thì màn trình diễn ảo thuật đã kết thúc. Đề thi chính là Chiếc Thuyền Ngoài Xa của Nguyễn Minh Châu". Trên thực tế, đề thi ra đúng vào tác phẩm Chiếc Thuyền Ngoài Xa.
Ngay sau kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã mời công an vào cuộc. Kết quả xác minh cho thấy hoàn toàn không có việc lộ đề thi môn Ngữ văn. Việc "Kaito Kid" đoán tên tác phẩm sẽ ra trong đề thi Ngữ văn dựa trên sự phân tích của cá nhân.
Khi nào chấm dứt được tình trạng "đoán đề"?
Tháng 3 vừa qua, Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 giữ cấu trúc ổn định như những năm qua là tốt nhưng cần thay đổi từ năm 2025 để phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Đọc đề thi, dư luận băn khoăn đề minh họa này có phù hợp với Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông không.
Công văn này có nội dung đáng chú ý trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Nhưng Bộ GD&ĐT chưa thể ra đề thi tham khảo, đề thi chính thức môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (kể cả năm 2024) theo hướng ra ngữ liệu ngoài chương trình sách giáo khoa do học sinh vẫn học chương trình giáo dục phổ thông cũ. Cách dạy và học theo chương trình cũ thì đề thi cũng phải ra theo hướng như hiện nay.
Hơn nữa, khi thay đổi cấu trúc đề thi, bắt buộc những đối tượng trong cuộc là giáo viên, học sinh phải thay đổi cách dạy và học. Muốn vậy, họ phải có thời gian làm quen với mẫu đề thi. Còn hiện tại việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ đối với môn Ngữ văn lớp 12, các cơ sở giáo dục bậc THPT vẫn ra đề theo hướng 50% nội dung đề sử dụng ngữ liệu trong SGK (câu nghị luận văn học).