Làm cách nào để trị tận gốc bạo lực học đường?

Vân Anh | 26/09/2022, 06:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bạo lực học đường chỉ có thể trị tận gốc - khi có sự liên kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Bạo lực học đường vẫn phức tạp

Ngày 21/9, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video dài gần 5 phút ghi lại cảnh đánh nhau giữa 2 nữ học sinh tại Gia Lai. 2 nữ sinh này giằng co, vật lộn, nắm tóc, đánh nhau trên con đường bê tông, giữa vườn cà phê trong sự chứng kiến của nhiều bạn bè đồng trang lứa.

Các học sinh chứng kiến đánh nhau, reo hò cổ vũ chứ không đứng ra can ngăn bạn. Khi xem đoạn video được đăng tải trên mạng, nhiều phụ huynh học sinh bất ngờ xen lẫn phẫn nộ vì hành động của các học sinh này. Thay vì đến trường giúp nhau học tập thì các nữ sinh lại dùng tay chân, nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn.

Trước đó, hai học sinh lớp 7, Trường THCS&THPT và THPT Tây Sơn (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) bị đánh hội đồng phải nhập viện cấp cứu. Hay một nữ sinh Trường THCS Chu Văn An (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng bị một nhóm học sinh đánh một cách tàn nhẫn sau khi đến trường tập các nghi thức chuẩn bị cho lễ khai giảng.

Còn tại Hà Tĩnh, một học sinh lớp 8, Trường THCS Phan Huy Chú (huyện Thạch Hà) bị nhóm bạn cùng trường xé áo, đánh đập giữa đường, mặc cho nữ sinh này liên tiếp van xin. Tại Hà Nội, một học sinh Trường THCS Hà Hồi (huyện Thường Tín) đã đánh bạn đến chấn thương vùng đầu do mâu thuẫn trên mạng xã hội.

Làm thế nào 'trị tận gốc' bạo lực học đường? ảnh 1
Nhiều nhà trường tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa phòng chống bạo lực học đường

Tìm nguyên nhân bạo lực học đường

Theo ông Nguyễn Xuân An Việt- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), việc xảy ra những vụ bạo lực học đường do một số nguyên nhân.

Thứ nhất, do sự phát triển tâm sinh lí của lứa tuổi, nhất là lứa tuổi học sinh THCS có nhiều thay đổi, phát triển mạnh mẽ. Các em muốn vươn lên để thể hiện mình là người lớn, người trưởng thành trước thực tiễn xã hội có rất nhiều điều hấp dẫn muốn khám phá. Trong khi đó, kiến thức, kỹ năng sống, của các em đều còn thiếu rất nhiều.

Mặt trái của sự phát triển khoa học công nghệ, mạng xã hội đã tác động tiêu cực đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm, lối sống của học sinh: kiểm soát, ngăn chặn những nội dung xấu, độc trên internet, mạng xã hội rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự đầu tư về các nguồn lực và sự phối hợp hiệu quả.

Một số gia đình chưa thực sự quan tâm đến con em, thiếu kỹ năng trong giáo dục con cái; gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bất hòa, không hạnh phúc... đã ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, thái độ của học sinh.

Tình trạng dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không tốt tới tâm sinh lý trẻ em, học sinh. Các em ít được vận động, giao lưu cùng bạn bè, thầy cô, không được sống, học tập trong môi trường giáo dục ở nhà trường nên tạo ra căng thẳng, nhiều em bị trầm cảm, bị stress. Cũng do tình hình dịch bệnh nên việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống nói chung và kỹ năng phòng chống bạo lực học đường nói riêng bị gián đoạn.

Vai trò của tổ chức các đoàn thể trong nhà trường có lúc, có nơi còn hạn chế, một số cán bộ giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội còn thiếu kinh nghiệm, thường xuyên thay đổi, thiếu tính kế thừa, chỉ tập trung nhiều cho chuyên môn. Kỹ năng ứng xử với học sinh và xử lý tình huống của một số giáo viên còn hạn chế.

Nhiều giáo viên, nhà trường chưa quan tâm đúng mức đến việc phòng chống bạo lực học đường. Công tác tư vấn tâm lý cho học sinh còn nhiều hạn chế, nhiều nơi thiếu cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý học đường, thậm chí còn chưa bố trí nơi đặt phòng tư vấn tâm lý ở trường THCS, THPT hoặc góc tư vấn tâm lý đối với trường tiểu học.

Giải quyết bạo lực học đường

Để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm -Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, cần có những giải pháp mang tính tổng thể. Trước nhất, giáo dục trong gia đình và giáo dục nhà trường, xã hội cần gắn chặt với nhau, giáo dục cho học sinh có ý thức, phát triển nhân cách hài hòa, có giá trị sống, biết yêu thương, tôn trọng, khoan dung.

Gia đình, nhà trường, xã hội cần nâng cao nhận thức, ý thức cho học sinh và con em mình về những hành động bạo lực và hậu quả của những hành động bạo lực này. Trong đó, gia đình cần chú trọng giáo dục con cái như phê phán những hành vi thô bạo, xử lý nghiêm khắc những hành vi thô bạo, bạo lực từ con trẻ; hình thành cho trẻ về tính quan tâm, giúp đỡ người khác.

Nhà trường cần chú trọng tới việc giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh; quan tâm tới từng học sinh (đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt) và chủ động trao đổi thông tin với gia đình học sinh; tăng cường hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích.

Cùng đó, các nhà trường cần xây dựng nội quy chặt chẽ, phù hợp. Khi học sinh vi phạm, nhà trường chiếu theo nội quy để xử lý, tránh để các em cảm thấy không phục hoặc vô lý. Các hình phạt giúp học sinh nhận thức hậu quả và học cách chịu trách nhiệm cho việc làm của mình… Chỉ khi đồng bộ như vậy, tình trạng bạo lực trong học đường mới được đẩy lùi, từ đó góp phần xây dựng được môi trường giáo dục lành mạnh.

"Chân kiềng” giáo dục là gia đình - nhà trường - xã hội luôn là nguyên tắc bảo đảm cho mọi hoạt động giáo dục đạt hiệu quả. Và công tác xây dựng môi trường giáo dục thân thiện và có văn hóa, ngoài việc xây dựng các quy tắc rõ ràng, đo đếm được và khả thi thì cần có chế tài, trách nhiệm cụ thể của mỗi cấp quản lý, của nhà giáo, học sinh trong việc thực thi và giám sát.

Phụ huynh học sinh cũng cần cộng đồng trách nhiệm, nghiêm túc tham gia việc thực thi và giám sát để việc xây dựng trường học văn hóa trở thành nhu cầu của chính mỗi đơn vị. Đây cũng chính là giải pháp tích cực để chủ động ngăn ngừa những hành vi tiêu cực trong môi trường học đường hiện nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm cách nào để trị tận gốc bạo lực học đường?