Cô Hoa cho biết, đây là trường hợp học sinh lớp 12C1 do cô chủ nhiệm. Em này có hoàn cảnh đặc biệt, lực học rất tốt song gia đình không hòa thuận nên thường xuyên mất tập trung trong học tập. Vừa rồi, bố mẹ ly hôn nên em cương quyết bỏ học. Không đành lòng, cô Hoa đã nhiều lần đi lại, tìm gặp từng thành viên trong gia đình học sinh.
Khi tìm hiểu, cô Hoa được biết, sau ly hôn em phải sống với bố. Nhưng thực tế, em lại muốn ở cùng mẹ. Bởi vậy, một mặt cô gặp gỡ học sinh để khuyên bảo, động viên. Mặt khác, gặp riêng từng phụ huynh trao đổi, giúp bố mẹ em hiểu được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của con mình để cùng tháo gỡ.
“Lúc đầu bố mẹ em nhất quyết không đồng ý, ai cũng đưa ra lý do của mình. Tôi phải phân tích nhiều lần, rằng điều quan trọng nhất với người làm bố, làm mẹ là con cái. Đừng để vì người lớn mà hỏng cả tương lai con trẻ. Sau thì họ đã nhất trí đáp ứng nguyện vong của con. Giờ thì em ấy đã đi học lại, quyết tâm thi khối Khoa học Tự nhiên để theo học trường quân sự. Tôi rất mừng. Tuy nhiên, vẫn phải duy trì liên lạc thường xuyên với phụ huynh để có sự động viên em kịp thời trong giai đoạn này”, cô Hoa bộc bạch.
Cô giáo Lò Thanh Mùi trò chuyện, tìm hiểu tâm tư của học sinh lớp chủ nhiệm. |
Trường THCS - THPT Quài Tở năm học này có 3 lớp 12, với 130 học sinh. Trong đó, có 74 em được bố trí ăn, ở sinh hoạt nội trú. Số còn lại sinh sống cùng gia đình gần trường. Tuy nhiên, theo cô Mai Thị Lan Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường thì hơn 50% phụ huynh đi làm ăn xa nên thiếu sự quản lý, đồng hành cùng con.
Đơn cử lớp cô Mùi chủ nhiệm. Sĩ số cả lớp là 44, song chỉ có 10 em ở cùng bố mẹ. Còn lại phụ huynh đều đi lao động ngoại tỉnh. Mỗi em lại có 1 hoàn cảnh, 1 câu chuyện riêng. Vì thế, thời gian này cô Mùi gần như dành trọn các ngày nghỉ và ngoài giờ để chăm lo, hỗ trợ học sinh.
“Thường thì trong các tiết học hoặc giờ sinh hoạt lớp tôi đã quan sát, nắm bắt tâm lý các em rồi. Nhưng để hiểu sâu và có thể chia sẻ được thì tôi phải tranh thủ thời gian ngoài giờ để thăm hỏi, trò chuyện cùng các em. Cô có cởi mở, thì học sinh mới dễ dàng bật mí những câu chuyện được xem là bí mật”, cô Mùi chia sẻ.
Cô Mùi không chỉ nắm bắt được mọi khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, học tập mà cả những thay đổi trong tâm lý học trò. Với quan điểm, học sinh cuối cấp thường chịu áp lực từ nhiều phía nên việc ổn định và giữ vững tâm lý để các em yên tâm ôn luyện luôn được cô đặt lên hàng đầu.
“Đa phần các em đều ở cùng ông bà, người thân hoặc thuê trọ ngoài trường nên rất khó quản lý. Phụ huynh chỉ liên lạc được qua điện thoại, người quan tâm thì nhờ tôi chăm nom con giúp, nhưng cũng có người phó mặc. Có khi cả năm không liên lạc. Học sinh khi có chuyện lại gọi cô. Nào vi phạm luật giao thông, cắm xe… Mỗi lần như vậy tôi lại phải thay cha mẹ các em giải quyết, tháo gỡ”, cô Mùi giãi bày.
Ngoài hỗ trợ về tâm lý, thay mặt phụ huynh giải quyết vướng mắc, thời gian qua cô giáo Lò Thanh Mùi đã kết nối các tổ chức từ thiện hỗ trợ học bổng cho 4 học sinh khó khăn trong lớp (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng/tháng). Đồng thời, xây dựng nguồn quỹ để thường xuyên trao tặng học sinh sách vở, bút, đồ dùng học tập, quần áo…
Tại Trường THPT Thanh Chăn năm học này có 278 học sinh lớp 12. Trong đó, chỉ có 2 lớp ở nội trú, 2/3 học sinh còn lại sinh sống rải rác trên địa bàn. Theo cô Nguyễn Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ thì đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm càng thêm vất vả.
“Thời gian cuối năm các em thường rất dễ chểnh mảng việc học. Bởi vậy, chúng tôi giao giáo viên chủ nhiệm nắm bắt sĩ số, tình hình học sinh từng ngày. Trường hợp nào nghỉ học phải tìm hiểu nguyên nhân, lý do ngay để kịp thời can thiệp. Phụ huynh thì có người liên lạc được bằng điện thoại, nhưng nhiều trường hợp phải tìm đến tận nhà nên mất nhiều thời gian”, cô Thủy bộc bạch.
Đó là lý do cô giáo Trần Thị Hoa thuộc đường từng nhà học sinh trong lớp. Thời gian qua, một mình cô nhiều lần phải rong ruổi khắp các bản để gặp gỡ từng phụ huynh để trao đổi, đồng thời nắm bắt hoàn cảnh gia đình mỗi em. Cô bảo: “Có chủ động tìm hiểu hoàn cảnh học sinh thì mình mới có phương án hỗ trợ phù hợp với từng em”.
“Thời gian này, các em đã ổn định tâm lý, tập trung ôn thi. Song cũng có một số em gặp vướng mắc trong tình cảm, buồn việc gia đình hoặc không tự tin vào bản thân. Những điều này học sinh có khi không tâm sự được với cha mẹ, nhưng các em lại chia sẻ với tôi. Thường thì tôi sẽ trấn an tâm lý trước, gạt bỏ những hoang mang, lo lắng trong các em. Sau đó mới gợi ý một vài hướng tháo gỡ, giải quyết và để học sinh tự quyết định”, cô Hoa cho hay.
Dù có học sinh ở nội trú hay không thì giáo viên chủ nhiệm khối 12 ở trường thời điểm này đều rất vất vả. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn thì công tác chủ nhiệm còn rất nhiều việc không tên. Hễ có chuyện lớn, bé là học sinh lại gọi thầy, cô. Bởi vậy, Ban giám hiệu cũng cố gắng cân đối các nhiệm vụ, làm sao để giảm bớt gánh nặng cho giáo viên làm chủ nhiệm. - Cô Mai Thị Lan Hương