Nhà tâm lý học người Mỹ James Dobson: "Có hàng nghìn cách khiến trẻ đánh mất lòng tự trọng, nhưng để xây dựng lại lòng tự trọng của trẻ là một quá trình chậm chạp và khó khăn". Ảnh minh hoạ
Một cuộc khảo sát với nội dung "Điều gì khiến trẻ em sợ nhất" cũng chỉ ra, trẻ sợ nhất bị mất mặt và bị so sánh với những bạn bè đồng trang lứa.
Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại không nhận ra điều này. Không ít người vô tâm mang con ra so sánh với những đứa trẻ khác, hay công khai trách mắng con ở nơi công cộng.
Điều này vô tình tạo một bóng phủ lên tâm lý đứa trẻ suốt đời, khiến chúng trở nên sợ hãi, thiếu tự tin, không dám nhìn thẳng vào ai.
Theo nhà giáo dục đương đại nổi tiếng người Trung Quốc Hàn Phượng Trân, tất cả những đứa trẻ khó giáo dục nhất là những đứa trẻ mất đi lòng tự trọng. Bố mẹ với vai trò là nhà giáo dục đầu tiên của con phải làm mọi cách để bảo vệ điều quý nhất của con, chính là lòng tự trọng chứ không phải gián tiếp phá hủy nó.
Trên thực tế, trẻ bị tổn thương lòng tự trọng có thể gặp phải hai trường hợp. Một là ngày càng bất trị, không tuân thủ kỷ luật, vượt ra khỏi quy tắc, khuôn khổ, thậm chí bất chấp pháp luật. Hai là sẽ trở nên yếu đuối, hèn nhát, lúc nào cũng sợ hãi mọi thứ xung quanh.
Dù là trường hợp nào đi chăng nữa thì đây chắc chắn không phải điều bố mẹ mong muốn.
Những điều cần tuần thủ để bảo vệ lòng tự trọng cho con
Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ có thói quen làm con xấu hổ để chúng "nhớ lâu" và "biết xấu hổ rồi mới có dũng khí". Ảnh minh hoạ
Không mắng mỏ, trách phạt con ở nơi công cộng
Bị mắng mỏ ở nơi công cộng sẽ khiến con cảm thấy xấu hổ, tự ti, thậm chí thất vọng và mất đi sự tin tưởng vào bố mẹ. Con cũng có thể bị trầm cảm bởi những tổn thương về mặt tinh thần.
Cách dạy dỗ đúng nhất là bố mẹ nói chuyện riêng với con, phân tích rõ ràng cái đúng, cái sai. Nếu con mắc lỗi ở nơi công cộng, bố mẹ lập tức dẫn con ra khỏi nơi đó rồi mới trách mắng sau. Quát mắng trước mặt người ngoài đôi khi có thể khiến con kích động thêm.
Tuyệt đối đừng mất bình tĩnh và nói những lời cay nghiệt
Để nhấn mạnh độ "hư" của đứa trẻ, nhiều cha mẹ thường dùng những lời cay nghiệt để tác động đến đứa trẻ. Mặc dù im lặng chịu trận, nhưng rõ ràng trẻ bị tổn thương sâu sắc. Chúng đồng thời mất đi niềm tin rằng bố mẹ yêu mình, nếu như miệng bố mẹ thốt ra những lời như "đồ ngu dốt", "kém cỏi"...
Đừng trút những cảm xúc nhất thời của mình lên con cái, bởi vì đối với nó, đó là sự trừng phạt ác nghiệt nhất.
Chấp nhận sự không hoàn hảo của con
Nhà tâm lý học nổi tiếng Hạ Lĩnh Phong tin rằng, điều quan trọng nhất để duy trì mối quan hệ giữa bố mẹ và các con, chính là khuyến khích con trở nên tốt nhất. Trình độ của mỗi trẻ là khác nhau, nhưng chúng đều có những thế mạnh riêng.
Điều cha mẹ cần làm không phải là so sánh thiếu sót của con với điểm mạnh của trẻ khác, mà trái lại, chính là khám phá những điểm mạnh của con mình. Cần chấp nhận sự không hoàn hảo của con và bình tĩnh nhìn vào sự phát triển của con, để phát huy những điểm mạnh nhất của trẻ.
Chuyên gia tâm lý, nhà giáo Li Zhongying, Hong Kong, chia sẻ, động lực cơ bản để một người tồn tại chính là "giá trị bản thân". Nói một cách đơn giản, đó là sự tự tin, yêu bản thân và lòng tự trọng. Xấu hổ là thứ giết chết ý thức về giá trị nhanh nhất.