Làm gì để có hàm răng chắc khỏe?

Phạm Hoa | 30/10/2023, 06:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Việc chăm sóc răng miệng thường xuyên là một việc làm vô cùng cần thiết đối với mỗi người. Điều này không chỉ giúp răng chắc khỏe mà còn ngăn ngừa hiệu quả những nguy cơ tiềm ẩn, như các bệnh về nướu, sâu răng...

Khá nhiều người chỉ chú ý đến cách giữ gìn da cho mịn màng, chăm chút ăn mặc đẹp mà sao nhãng việc chăm sóc và bảo vệ răng.

Một hàm răng đẹp không chỉ là "trang sức" cho nụ cười của mỗi người, là biểu hiện sức khoẻ tốt mà còn tránh được những bất lợi trong cuộc sống.

Tập thói quen chăm sóc răng từ sớm

Việc chăm sóc răng phải được tiến hành từ nhỏ. Ngay từ khi đứa trẻ mọc những chiếc răng sữa đầu tiên, các bậc cha mẹ cần dùng bông gòn hoặc vải mềm lau sạch răng cho trẻ.

Trẻ lớn lên một chút thì dùng bàn chải đánh răng. Lần đầu tiên cần đến nha sĩ kiểm tra răng là lúc trẻ bước vào tuổi thứ ba.

Việc đánh răng tuy dễ mà khó. Đấy là công việc hàng ngày mà ai cũng thực hiện nhưng không phải ai cũng làm đúng.

Cách đánh răng đúng là đánh xoáy theo hình trôn ốc, như vậy các lông bàn chải mới đánh sạch các ngóc ngách và chân răng.

Đánh răng hàm trên khác với đánh răng hàm dưới. Nên dùng bàn chải loại tốt, lông bàn chải không được cứng quá để tránh làm xước chân răng dễ dẫn đến viêm lợi. Bàn chải đánh răng chỉ nên dùng trong 4 - 5 tháng.

rang-chac-khoe.png
Việc chăm sóc răng miệng thường xuyên là một việc làm vô cùng cần thiết đối với mỗi người.

Răng mang tính di truyền khá cao. Bố mẹ có hàm răng đều, trắng đẹp, chất lượng fluo trong men răng tốt, răng khó bị cao bám, nước bọt có chất chống vi khuẩn cao... thì con cái cũng có hàm răng đẹp và tốt.

Ngược lại, bố mẹ răng xấu thì răng của con cũng không thể đẹp được. Nhưng việc đeo dụng cụ chỉnh hàm trong giai đoạn thay răng cũng có thể khắc phục phần nào độ khấp khểnh của răng.

Thăm khám nha khoa thường xuyên

Ở răng có rất nhiều đầu dây thần kinh, khoảng từ 80.000 đến 300.000 đầu dây thần kinh/milimét vuông mặt răng. Những người mà răng có nhiều đầu dây thần kinh sẽ dễ bị đau răng hơn.

Điều này giải thích cho việc tại sao có những người cả đời không biết đau răng là gì, trong khi người khác lại đau thường xuyên.

Khi răng bị đau cần đi nha sĩ để được khám và hướng dẫn cách chữa trị, không được tự nhổ răng, nhất là các răng hàm vì làm như vậy rất nguy hiểm.

Khi răng bị sưng tấy không nên tự chích hoặc nhổ răng vì có thể dẫn đến nhiễm trùng máu. Nếu có điều kiện nên đi khám răng 2 tháng một lần và mỗi năm phải khám răng ít nhất 3 lần. Khi bạn thấy đau răng cũng là lúc răng hỏng nặng.

ham-rang-chac-khoe.png
Thường xuyên chú ý đến chế độ ăn uống của bạn là một thói quen tốt cho răng miệng có thể giảm nguy cơ sâu răng

Nếu không đi kiểm tra răng thường xuyên, khi phát hiện bệnh chỉ còn một cách cứu duy nhất là nhổ. Mỗi năm phải đi lấy cao răng một lần. Với những người hút thuốc lá thì thời hạn này là 4 tháng.

Cao răng không những làm răng xấu mà còn dẫn đến các bệnh viêm nha chu và làm miệng có mùi hôi khó chịu. Sau các bữa ăn nên đánh răng sạch sẽ để vi khuẩn không làm hại được đến men răng.

Hiện nay các nhà khoa học còn khuyên nên đánh răng ngay trước khi ăn để vi khuẩn không theo thức ăn xuống dạ dày làm ảnh hưởng đến chất lượng tiêu hoá.

Không nên ăn nhiều kẹo, đặc biệt là sôcôla; không nên nhai, cắn các vật cứng; không nên dùng các vật cứng, nhọn, sắc để cà lên răng.

Chú ý đến thành phần canxi trong bữa ăn. Nếu cơ thể bị thiếu canxi, răng sẽ hở và bục lúc đầu là ở ngoài, sau lan dần vào tuỷ và cuối cùng là phải nhổ bỏ răng.

Không nên lạm dụng nước súc miệng vì một số nước súc miệng có cồn sẽ làm khô, thậm chí làm rộp vòm họng. Cách tốt nhất để có hơi thở thơm tho là chăm chỉ đánh răng. Khi đánh răng cần kết hợp với việc nạo lưỡi và phía trong má.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì để có hàm răng chắc khỏe?