Nếu tình trạng sang chấn tâm lý kéo dài sau sáu tháng, rất có thể tình trạng tâm lý của họ nặng nề hơn, rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu kéo dài cần phải có sự can thiệp của bác sĩ điều trị.
Làm gì để vượt qua sang chấn tâm lý?
Theo bác sĩ Chung, mỗi người một cách vượt qua nỗi sợ hãi, sang chấn khác nhau. Người thích nghi được cũng có người không thể thích nghi được. Những người sau sang chấn có thể bị ám ảnh, sợ lửa, sợ khói, sợ vào phòng kín. Với trường hợp này cần gặp bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ.
Những người gặp sang chấn tâm lý không nên sử dụng các chất như rượu, cần sa, bóng cười. Nhiều người sau sang chấn họ thường tìm đến những chất hướng thần này để cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn nhưng khi sử dụng những chất này không chỉ không giúp họ vượt qua sang chấn mà còn làm ảnh hưởng thêm đến tâm lý và sức khỏe.
Sau sang chấn chúng ta nên lấy lại tinh thần bằng cách chấp nhận những cảm xúc của mình và biết rằng phản ứng đau thương là quá trình. Bạn nên thổ lộ với người khác, dành thời gian với bạn bè và gia đình, đừng tự cô lập mình.
Bạn hãy chăm sóc bản thân bằng cách tập thể dục đều đặn, ăn uống điều độ. Bạn cần ngủ đủ để giữ sức khỏe tốt và có nhiều sinh lực, tìm về những sở thích, trở lại những hoạt động làm bạn vui hoặc bạn có thể tham gia nhóm hỗ trợ, trò chuyện với những người cùng có phản ứng đau thương. Điều này có thể giúp bạn được kết nối nhiều hơn.