Làm rõ định danh, chế độ: Mong muốn của nhà giáo

23/01/2024, 14:13
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Làm rõ khái niệm cùng các tiêu chuẩn, chức danh, đãi ngộ và bồi dưỡng nhà giáo góp phần khẳng định vị thế quan trọng trong xã hội của các thầy cô...

Giáo viên Trường Mầm non Bé Ngoan, Quận 1, TPHCM đang trông, dạy trẻ. Ảnh: Mạnh Tùng
Giáo viên Trường Mầm non Bé Ngoan, Quận 1, TPHCM đang trông, dạy trẻ. Ảnh: Mạnh Tùng

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo

Một chính sách khác được các chuyên gia quan tâm khi góp ý xây dựng Luật Nhà giáo là đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo. Chính sách này nhằm đáp ứng chuẩn nghề nghiệp và nâng cao chất lượng đội ngũ; đãi ngộ xứng tầm vị thế, vai trò nhà giáo, giúp họ an tâm và công tác lâu dài trong ngành Giáo dục.

Theo ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, chính sách về tiền lương của nhà giáo được dự kiến bao gồm tiền lương, phụ cấp và các chế độ khác (nếu có). Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tiền lương và chính sách theo lương cho nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục ngoài công lập và tự chủ không ít hơn nhà giáo cùng trình độ đào tạo, thâm niên, chức danh trong cơ sở công lập.

Cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học có nhiệm vụ đào tạo giảng viên giảng dạy môn chuyên ngành của cơ sở mình thông qua tuyển dụng ứng viên là sinh viên có bằng tốt nghiệp cử nhân loại giỏi trở lên ở chuyên ngành đó; người có bằng tốt nghiệp trình độ thạc sĩ loại giỏi trở lên ở chuyên ngành đó. Học phí đào tạo, học bồi dưỡng do cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học chi trả.

TS Diệp Phương Chi đề xuất bổ sung kỹ sư tốt nghiệp loại giỏi trong diện tuyển dụng để trở thành giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành kỹ thuật và công nghệ. “Tuyển dụng giáo viên, bên cạnh bằng cấp, nên bổ sung thêm tiêu chí ưu tiên nhân cách, thái độ và phẩm chất tích cực của nhà giáo trong tuyển dụng và đánh giá”, TS Chi kiến nghị.

Ngoài ra, trong công tác đào tạo giảng viên, bên cạnh năng lực sư phạm theo phương thức trực tiếp (truyền thống), cần bổ sung, nhấn mạnh các yêu cầu về năng lực sư phạm theo phương thức phi truyền thống (dạy học trực tuyến đồng bộ, trực tuyến không đồng bộ, kết hợp - blended, phối hợp - hybrid). Việc này giúp giảng viên thích ứng linh hoạt với bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục.

TS Thái Thị Tuyết Dung - Phó Trưởng ban Thanh tra - Pháp chế (Đại học Quốc gia TPHCM) đặt vấn đề về nhà giáo nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu tại Việt Nam trong Luật Nhà giáo. Theo TS Dung, hiện có hơn 1,5 triệu nhà giáo làm việc trong các cơ sở giáo dục, đa số là viên chức. Tuy nhiên, Luật Viên chức chỉ điều chỉnh đối với những nhà giáo Việt Nam (viên chức là công dân Việt Nam), chưa có quy định “riêng biệt”, “đặc thù” đối với nhà giáo nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy. Điều này dẫn đến thực tế, các cơ sở giáo dục khi áp dụng và triển khai quy trình tuyển dụng, tiếp nhận nhà giáo nước ngoài, cũng như cơ chế chính sách dành cho đối tượng này còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/lam-ro-dinh-danh-che-do-mong-muon-cua-nha-giao-post669584.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/lam-ro-dinh-danh-che-do-mong-muon-cua-nha-giao-post669584.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm rõ định danh, chế độ: Mong muốn của nhà giáo