Làm sao để ngăn chặn bạo lực học đường từ gốc?

Minh Phong | 11/01/2023, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bạo lực học đường là mối quan tâm, trăn trở của toàn xã hội. Để ngăn chặn tình trạng này, cần sự chung tay từ nhiều phía.

Tạo sức đề kháng và khả năng phòng ngừa

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), bạo lực học đường là vấn đề xã hội, liên quan đến nhiều tổ chức, đoàn thể, tầng lớp nhân dân. Do đó, để ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước chấm dứt tình trạng bạo lực học đường cần sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội. Trước hết, cần đi từ tế bào nhỏ gia đình - cái nôi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người.

Ngôi nhà thứ hai là nhà trường, bên cạnh việc truyền dạy kiến thức các môn học, thầy cô cần chú trọng việc dạy các môn giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, tích cực, hạnh phúc, để học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc. Trang bị cho học sinh nhận thức đúng đắn, để các em có hành động đẹp, biết yêu thương, tôn trọng bạn bè. Đặc biệt giáo viên chủ nhiệm cần gần gũi, nắm bắt diễn biến tâm lý của học sinh, không để các hành vi tiêu cực, bạo lực xảy ra.

Đề xuất giải pháp vấn đề bạo lực học đường, TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý, Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, cần xây dựng trường học hạnh phúc, thúc đẩy mô hình tư vấn tâm lý theo hướng tiến bộ để xây dựng nhà trường kiểu mới. Muốn học sinh hạnh phúc thì giáo viên cần được hạnh phúc. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý phải thay đổi cách thức quản trị, đổi mới hình thức tương tác trong nhà trường, đem lại sự thoải mái, tiến bộ và phát huy sáng tạo cho giáo viên.

TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) nhìn nhận, trước hết cần tư vấn cho đội ngũ cán bộ quản lý về nội dung giáo dục phòng ngừa và trực tiếp tham gia hoạt động phòng ngừa bạo lực học đường. Các thầy cô phải thường xuyên nắm được tâm lý của học sinh thông qua phiếu điều tra khảo sát, dự giờ để đề xuất với hiệu trưởng có biện pháp giáo dục, hoạt động hướng học sinh đến những điều tích cực.

“Thầy, cô phải tổ chức hoạt động giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống theo chương trình, sách giáo khoa mà Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm xây dựng do chuyên gia tâm lý hướng dẫn và chủ biên, được Hội Tâm lý học Việt Nam thông qua, giúp cho học sinh tạo sức đề kháng và khả năng phòng ngừa cao. Khi học giá trị sống, kỹ năng sống, tự thân trò tránh được các tác động xấu ở bên ngoài” - TS Nguyễn Văn Hòa trao đổi.

Theo TS Nguyễn Văn Hòa, giáo viên cần gắn bó với học sinh, sẵn sàng trả lời khi các em gặp khó khăn, cảm thấy cô đơn, áp lực và không chia sẻ được với gia đình... Các thầy cô giáo tâm lý thân thiện, vui vẻ hàng ngày lên lớp dạy môn Giá trị sống nên rất gần gũi với học trò. Vì vậy, tạo dựng được sự tin tưởng của học sinh; qua đó giải quyết được khoảng 90% trường hợp học sinh cần tư vấn tâm lý.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/lam-sao-de-ngan-chan-bao-luc-hoc-duong-tu-goc-post622329.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/lam-sao-de-ngan-chan-bao-luc-hoc-duong-tu-goc-post622329.html
Bài liên quan
Cần có quy định bảo vệ nhà giáo, giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Nhà giáo, các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong dự án Luật cần có quy định bảo vệ nhà giáo để họ yên tâm công tác, cống hiến hiệu quả trong giảng dạy. Điều này cũng góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm sao để ngăn chặn bạo lực học đường từ gốc?