Làm sao để ngăn trẻ khỏi những cạm bẫy từ internet?

Hà Phương | 01/11/2023, 07:04
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Trong thời đại bùng nổ thông tin và công nghệ số, việc sử dụng thiết bị thông minh kết nối internet giúp trẻ tiếp cận kho kiến thức mới, mở rộng tư duy. Tuy nhiên, internet cũng tiềm ẩn những cạm bẫy khôn lường.

toi_pham_mang_.jpeg
Nên cảnh báo trẻ về những cạm bẫy trên internet, nhất là tội phạm trên mạng xã hội.

“Tình yêu trên mạng”

Một học sinh trung học tên là Phương lập tài khoản mạng xã hội với mục đích giao lưu, kết bạn và thể hiện bản thân.

Một hôm, Phương kết bạn với một người bạn trên mạng có bí danh là “Kị sỹ”. Người này nói với Phương rằng anh ta là giám đốc của công ty luyện kim nào đó. Phương tin ngay.

Ngày 18/4 là sinh nhật Phương tròn 18 tuổi, sau khi biết tin, “Kị sỹ” quyết định chúc mừng sinh nhật Phương. Sau khi gặp nhau ở quán rượu, Phương bị vẻ bề ngoài hào phóng của anh ta đánh gục.

Sau đó, họ thường hẹn hò với nhau nhiều lần và nảy sinh quan hệ tình cảm. “Kị sỹ” thề rằng sẽ mua nhà, đợi Phương tốt nghiệp đại học sẽ đến làm việc tại công ty anh ta rồi hai người sẽ kết hôn.

Một thời gian sau, Phương đưa cho “Kị sỹ” số tiền 40 triệu đồng mà cô bé ăn trộm từ mẹ. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, Phương gọi điện thoại cho người này nhiều lần nhưng không có hồi âm. Vậy mà cô bé còn định trốn gia đình đi theo “Kị sỹ” làm ăn xa, sống chết với tình yêu của đời mình.

Có thể khẳng định rằng, Phương đã bị lợi dụng cả về tình cảm và tiền bạc. Em không nhận biết được người đang nói chuyện với mình trên mạng là ai.

Gần đây, một công ty kinh doanh mạng đã dùng hai hình thức là đặt câu hỏi thăm dò trên mạng và những người bạn trên mạng gửi email cho nhau để triển khai một cuộc điều tra về tình yêu qua mạng.

Kết quả cho thấy: Dù tình yêu trên mạng đẹp và lãng mạn nhưng tỉ lệ thành công lại quá thấp, chỉ khoảng 1/1000, điều này khiến người ta vô cùng kinh ngạc.

Đặc biệt là những kẻ xấu khoác áo “Tình yêu trên mạng”, chúng thường nhằm vào các cô gái ngây thơ, vẽ ra viễn cảnh tình yêu để lừa gạt, tống tiền, moi tiền, trộm cướp, làm cho không ít gia đình phải chịu tổn thất về tinh thần và vật chất.

Đa số các thiếu nữ là nạn nhân của “Tình yêu trên mạng” bởi các cô gái ở giai đoạn này thường có những ảo tưởng quá lãng mạn về tình yêu, sự mô tả những chuyện tình đẹp trên tivi, trong sách báo đều làm cho họ mơ tưởng rất nhiều.

Thêm vào đó, rất nhiều các cô gái là con một, ở nhà vốn đã thiếu sự giao lưu và tâm lý đóng cửa của thời kỳ này khiến họ không muốn tâm sự với cha mẹ mình, đặc biệt là vấn đề tình cảm.

Và con cái không muốn bộc lộ cách nghĩ chân thực của mình với cha mẹ, sợ rằng sẽ làm cho cha mẹ có ấn tượng về mình có “ý nghĩ không trong sạch”.

Tuy nhiên, tính mở cửa văn hoá của xã hội khiến họ thường xuyên bị kích thích bởi văn hoá “giới tính” họ giao lưu với những người khác giới, mơ tưởng rằng “hoàng tử” sẽ đột nhiên xuất hiện trong cuộc đời mình.

Nhưng trong thế giới hiện thực, sự dạy dỗ của cha mẹ, kỉ luật của trường học và dư luận xung quanh đều khiến họ bị ức chế.

tre.jpg
Cần hạn chế trẻ em sử dụng internet.

Hạn chế những mặt trái của internet

Không thể phủ nhận những giá trị tích cực từ internet mang lại cho trẻ trong học tập, vui chơi, giải trí, phát triển bản thân, kết nối với thế giới trong xu hướng toàn cầu hoá.

Tuy nhiên, sẽ tiềm ẩn nhiều tác hại nếu người trẻ không được định hướng, giáo dục về sử dụng mạng an toàn.

Một nghiên cứu của Cục Trẻ em (Bộ Lao động thương binh và xã hội) cho thấy, trẻ em tiếp cận công nghệ quá sớm nhưng lại thiếu sự quản lý, giám sát của cha mẹ sẽ đem lại nguy cơ nhiều hơn là cơ hội cho trẻ.

Ngoài ra, việc thường xuyên sử dụng, tương tác trên mạng xã hội nhưng thiếu kỹ năng sử dụng mạng an toàn dễ bị đánh cắp thông tin cá nhân, dữ liệu người dùng, bị theo dõi hoặc kẻ xấu lợi dụng sự non dạ, cả tin của trẻ để lừa gạt, thao túng tinh thần.

Không chỉ có vậy, nghiện internet, nghiện game online cũng khiến một số trẻ chìm đắm trong game, không tập trung học tập, làm việc để phát triển bản thân.

Theo các chuyên gia tâm lý, để ngăn ngừa mặt trái internet với thanh, thiếu niên và trẻ em, cha mẹ nên dành thời gian quan tâm, trò chuyện, chia sẻ với con tất cả những gì xảy ra trong ngày; khuyến khích, thu hút các con tham gia các hoạt động xã hội, chơi thể thao cùng bạn bè hay các hoạt động gắn kết tình cảm với gia đình để giảm thời gian sử dụng internet.

Sớm phát hiện các bất thường của trẻ khi sử dụng mạng xã hội để can thiệp kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Cha mẹ cần cùng con tìm hiểu và tuân thủ 4 quy tắc an toàn khi sử dụng internet đó là: không cho biết thông tin cá nhân, không dùng chung mật khẩu, không gặp gỡ người lạ trên mạng và tuân thủ thời gian nhất định cho việc sử dụng internet trong ngày.

Ngoài ra, hạn chế chia sẻ những thông tin, hình ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội; không chia sẻ những thông tin mà bản thân cảm thấy không an toàn cho mình; không nên sử dụng một mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau.

Những thông tin lộ lọt có thể được sử dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo, vay tiền trực tuyến gây nợ xấu làm ảnh hưởng đến nạn nhân hoặc để tống tiền, bôi nhọ danh dự...

Trẻ cũng đối mặt với nhiều vấn đề khác như trầm cảm, đi chệch mục tiêu, lười sáng tạo... Do đó, cha mẹ phải kiên quyết kiểm soát và đồng hành cùng con trong quá trình sử dụng internet.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm sao để ngăn trẻ khỏi những cạm bẫy từ internet?