Nhập học 280 nghìn đồng (bao gồm thẻ sinh viên tích hợp thẻ ngân hàng, thư viện, giấy xác nhận sinh viên); thư viện chính quy cả khóa 690 nghìn đồng; giáo trình tài liệu số do trường biên soạn 800 nghìn đồng; gia tăng băng thông truy cập thông tin trực tuyến - wifi học tập 500 nghìn đồng; kiểm tra tiếng Anh đầu vào 345 nghìn đồng; kiểm tra tin học đầu khóa (có 2 mức tùy chọn là 345 và 445 nghìn đồng). Ngoài các khoản bắt buộc này, tân sinh viên còn đóng một số phí tự chọn khác như bảo hiểm toàn diện 280 nghìn đồng; kỹ năng mềm 600 nghìn đồng; tiếng Anh chuẩn đầu ra bậc 3/6 là 4,5 triệu đồng.
Tân sinh viên nhập học tại Trường ĐH Giao thông Vận tải năm 2023. Ảnh: UTH |
“Cả học phí lẫn các khoản bắt buộc khoảng 20 triệu đồng. Tưởng không tăng học phí sẽ bớt phần nào gánh nặng tài chính, ai ngờ đủ thứ phí khác. Chưa biết xin tiền bố mẹ thế nào, vì trước khi nhập học, trường chỉ thông báo mỗi học phí”, một tân sinh viên phân trần.
Tại Hà Nội, tình trạng các khoản tiền ngoài học phí đối với tân sinh viên khi nhập học cũng diễn ra phổ biến. Dù Nhà nước đã miễn giảm học phí với đối tượng chính sách, nhưng khi nhập học, người học vẫn phải đóng góp thêm một số khoản thu khác ngoài học phí. Điều này khiến không ít gia đình chưa kịp vui vì con đỗ đại học đã lo lắng.
L.H.L – tân sinh viên Trường ĐH Đại Nam (Hà Nội) chia sẻ, khi tới làm thủ tục nhập học, cán bộ tư vấn cho biết em chỉ phải học 3 năm sẽ nhận bằng tốt nghiệp thay vì 4 năm như các trường khác. Mức học phí cho mỗi học kỳ là 13,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong danh mục các khoản đầu năm em phải nộp 7 loại tiền gồm: Học phí kỳ I là 13,5 triệu đồng; lệ phí nhập học 200 nghìn đồng; thẻ sinh viên 200 nghìn đồng; lệ phí khám sức khỏe 100 nghìn đồng; Đoàn phí toàn khóa 72 nghìn đồng; đồng phục sinh viên 150 nghìn đồng; Bảo hiểm y tế bắt buộc hơn 850 nghìn đồng.
“Dù xác định sẽ đóng học phí cao hơn các trường ĐH công lập khác nhưng em thấy bất ngờ khi được thông báo mỗi năm học 3 kỳ. Như vậy, số tiền học phí chúng em phải đóng là 40,5 triệu đồng. Ngoài ra, khoản lệ phí nhập học 200 nghìn đồng như em biết ở trường khác sẽ chi vào việc làm thẻ sinh viên tích hợp thẻ ngân hàng, thẻ thư viện và giấy xác nhận cho sinh viên. Tuy nhiên, nhà trường đã thu 200 nghìn đồng để làm thẻ sinh viên rồi thì khoản lệ phí kia liệu có hợp lý”, L. tâm sự.
Còn N.T.T – sinh viên năm thứ 1, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội thì cho hay, ngoài học phí, nhà trường còn thu tiền khuyến học 20 nghìn đồng; di chuyển nghĩa vụ quân sự 10 nghìn đồng. Theo T, số tiền tuy không lớn nhưng cũng góp phần tăng thêm số tiền phải đóng đầu năm. Sinh viên ngoại tỉnh lên Hà Nội học đại học phải lo tiền thuê trọ, sinh hoạt phí hằng tháng. Nếu không biết cân đối thì chỉ giữa tháng là phải nhờ “viện trợ” từ gia đình.
Thu chi các khoản thu đầu năm cần được tính toán hợp lý để việc phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh được chặt chẽ, hiệu quả. Ảnh: INT |
Có con học trường tiểu học ở ngoại thành Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hương tâm sự, dịp đầu năm học, hai vợ chồng khá lo lắng. Bản thân làm nghề tự do, thu nhập không ổn định, trong khi con nhỏ năm nay vào lớp 1, con lớn lên lớp 5 đều phải đóng góp nhiều khoản. Cấp tiểu học không đóng học phí, nhưng điều khiến chị và nhiều phụ huynh đau đầu là tiền quỹ đầu năm.
“Gần như năm nào khi họp phụ huynh, Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng đưa ra bảng dự tính thu chi cả năm học của lớp. Tôi nhìn đầu mục ngoài quỹ lớp 300 nghìn đồng còn có 300 nghìn đồng quỹ nộp về nhà trường, như vậy riêng tiền quỹ là 600 nghìn đồng/học sinh/năm.
Như năm ngoái, các hoạt động dành cho học sinh như tổ chức khai giảng, Tết Trung thu, văn nghệ chào mừng 20/11, làm bánh chưng Tết âm lịch… dùng tiền quỹ đó để chi cũng vừa hết. Ngoài ra còn chi tặng quà các cô vào mỗi dịp lễ, Tết”, chị Hương trao đổi.
Có con học mầm non ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), chị P.T.L kể: Đầu năm, cô giáo đề xuất cho trẻ học tiếng Anh với người nước ngoài, ai đăng ký thì báo với cô. Nếu mẹ nào không hoặc chậm đăng ký cho con sẽ được cô giáo gọi điện/nhắn tin hỏi lý do. Đồng thời tìm cách thuyết phục phụ huynh cho con học vì “các bạn đăng ký rồi”. Điều này vô hình trung đặt cha mẹ vào tình thế “sự đã rồi”.
“Thời gian vừa qua, báo đài nói nhiều đến việc các trường cố tình chèn giờ học liên kết, tăng cường tiếng Anh với người nước ngoài, STEM, kỹ năng sống vào giờ chính khóa. Phụ huynh nào không đăng ký lại lo con bị đối xử phân biệt nên đành tự nguyện trên tinh thần bắt buộc. Tôi kiến nghị, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục thanh tra, kiểm tra các đơn vị còn tình trạng này để học sinh có thời khóa biểu chính khóa theo đúng nghĩa, không bị chèn các hoạt động liên kết; ai thực sự có nhu cầu thì đăng ký”, chị Nguyễn Thị Phương trú tại quận Hoàng Mai nói.
Phần lớn phụ huynh mong, nhà trường công khai các khoản thu trong thông báo tuyển sinh và trên website nhà trường. Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường cần làm tốt công tác giám sát cam kết, đảm bảo quyền lợi học sinh. Các khoản xã hội hoá không nên kêu gọi mà để phụ huynh tự tìm đến. Mọi kêu gọi có tính định hướng cũng khiến phụ huynh khó chịu. Công tác thanh/kiểm tra của cấp quản lý cần quyết liệt, công khai, chính xác và công bằng. Bảo vệ nhà trường nếu phụ huynh phản ánh sai và bảo vệ quyền lợi học sinh, phụ huynh nếu nhà trường sai.