Trong trận thi tuần và tháng, chỉ với một gợi ý, nam sinh trường Hàm Rồng đều trả lời chính xác từ khóa của phần thi Vượt chướng ngại vật, tạo khoảng cách điểm số với các bạn chơi. Song, Mạnh cho rằng đây không phải phần thi sở trường, gặp may vì đáp án xuất hiện từ những suy nghĩ bất chợt.
Với Mạnh, phần thi tự tin nhất là Về đích. Cậu từng giành tới 110 điểm ở phần này trong trận thi tuần. Nam sinh cho rằng cái hay của phần chơi này là ngoài việc suy nghĩ về đáp án, thí sinh cần phải lưu tâm đến việc nếu trả lời sai sẽ bị trừ điểm, kết quả của mình so với các đối thủ sẽ như nào. Suy nghĩ này giúp Mạnh tính toán việc bấm chuông hay không, mỗi lựa chọn đều cần chắc chắn.
Tự đánh giá tâm lý chưa vững vàng, tiếng Anh và các câu hỏi thực hành Vật lý, Hóa học là điểm yếu của mình, nên trước khi bước vào chung kết năm, nam sinh xứ Thanh cũng đấu tập nhiều hơn để cải thiện bản lĩnh thi đấu, luyện nghe ngoại ngữ, xem lại hướng dẫn thực hành trong sách giáo khoa, trên Youtube.
Một số thành tích của Xuân Mạnh. (Nguồn: VTV)
Đối thủ của Xuân Mạnh trong trận chung kết là Nguyễn Việt Thành, trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) và Nguyễn Minh Triết, chuyên Quốc học Huế (Thừa Thiên Huế). Mạnh đánh giá cả hai bạn chơi tâm lý ổn định khi thi đấu. Em cũng học hỏi phong cách chơi của Đặng Lê Nguyên Vũ, quán quân Olympia năm ngoái, và ngưỡng mộ lối chơi Về đích của Vũ Bùi Đình Tùng, thí sinh giành kỷ lục 180 điểm trong phần thi này.
"Đây là trận đấu cuối cùng, nên em nghĩ tất cả sẽ làm hết mình, có thể truyền cảm hứng cho các khóa sau", Mạnh nói.
Thầy Dương Văn Hạnh, giáo viên dạy Toán và là chủ nhiệm của Xuân Mạnh, đánh giá lợi thế của học trò là ý thức ham học hỏi. Mạnh đang học đội tuyển Toán nhưng thầy giáo "luôn có cảm giác Mạnh học chuyên nào cũng được" vì em học đều, khả năng ghi nhớ và nền tảng kiến thức tốt, thái độ học nghiêm túc.
Mạnh cũng năng nổ trong các hoạt động của đoàn trường, nhiệt tình với bạn bè. Cậu cân bằng tốt giữa việc học và giải trí, vui chơi, nên không thuộc tuýp "mọt sách".