Lan toả nét đẹp Thủ đô trong 'Gánh Hà Nội'

10/10/2023, 06:32
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mong muốn lan tỏa nét đẹp của Hà Nội xưa thông qua liveshow - triển lãm “Gánh Hà Nội”.

Dự án “Đong đầy một gánh” lan toả niềm hứng thú tìm hiểu lịch sử dân tộc cũng như vẻ đẹp bình dị của Hà Nội. ảnh 4

Dự án “Đong đầy một gánh” lan toả niềm hứng thú tìm hiểu lịch sử dân tộc cũng như vẻ đẹp bình dị của Hà Nội.

Đặc biệt, những bức ảnh mà dự án chọn lọc còn đem đến cho người xem những cảm nhận thật rõ nét về vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong tiến trình lịch sử. Ngoài văn hóa cung đình, văn hóa dân gian, Hà Nội còn hội tụ nhiều nền văn hóa du nhập từ khắp nơi trên thế giới. Tuy giao thoa, tiếp biến nhưng không hề mất đi nét đẹp riêng biệt, để từ đó tạo nên nét độc đáo trong kiến trúc, lối sống, ngôn ngữ và trong cả lối ăn mặc, lễ nghi, ứng xử…

Qua những bức ảnh cũ - mới, người xem còn có thể hình dung, hoặc có những đối sánh về Hà Nội xưa và nay. Ở đó, mỗi thời đều có những vẻ đẹp theo một cách rất riêng nhưng luôn mang dáng dấp và hồn cốt chung của mảnh đất nghìn năm văn hiến, nét trầm mặc, sâu lắng len lỏi vào từng ngõ ngách, phố phường.

Những người trẻ của dự án “Đong đầy một gánh” cho rằng, những bức ảnh không chỉ đơn thuần là trải nghiệm phố phường, mà còn là những trải nghiệm văn hóa và tinh hoa đầy màu sắc. Họ cũng hi vọng, dù hiện tại hay mai sau, mỗi người hãy cùng góp sức giữ gìn và lan tỏa, bồi đắp thêm tình yêu đối với mảnh đất văn hiến này.

Các thành viên nhóm dự án “Đong đầy một gánh” bàn thảo lựa chọn nội dung cho triển lãm “Gánh Hà Nội”. ảnh 5

Các thành viên nhóm dự án “Đong đầy một gánh” bàn thảo lựa chọn nội dung cho triển lãm “Gánh Hà Nội”.

Tái hiện Hà Nội trong quá khứ

Hà Nội thời chiến - qua những tư liệu mà “Gánh Hà Nội” chọn lựa, có sự oai hùng, ác liệt nhưng cũng không kém thơ mộng. Tình yêu thời nào cũng cháy bỏng, nhiệt thành, nhưng ở thời chiến, hòa vào mưa bom bão đạn, tình yêu lại càng nồng nàn, tỏa sáng. Có lẽ vì thế mà hình tượng ngọn lửa vẫn cứ mãi hừng hực trong thơ Xuân Quỳnh: “Tình yêu như tháng năm/ Mang gió nồng nắng lửa/ Anh hãy là đầm sen/ Anh hãy là phượng nở”.

Bên cạnh tình yêu, có cả trích đoạn ngắn trong bức thư của liệt sĩ Phan Huy Chương viết ngày 27/7/1964. Một bức thư mộc mạc nhưng đong đầy chữ “tình” - là tình cảm gia đình, là tình đồng chí bền chặt gắn kết và hơn hết là tình cảm của núi sông, của Tổ quốc, của cả một chiều dài lịch sử hào hùng. Có người ví von, những trang thư tay mà người lính để lại như “những con chữ không im lặng”, bởi đó là cách chân thực nhất mà lịch sử được kể lại vẹn nguyên và đầy tự hào.

Ở một bức ảnh khác, Hà Nội xưa vẫn còn được lưu giữ lại qua lễ truy tặng sắc phong cho một vị quan tại một ngôi đình ở xã Nhân Mục thập niên 20 thế kỉ trước. Còn được biết tới trong lịch sử là Kẻ Mọc, địa danh Nhân Mục nay thuộc địa phận các phường Thượng Đình và Nhân Chính của quận Thanh Xuân và phường Trung Văn của quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Thậm chí, người nay còn thấy nội thất Bảo tàng Maurice Long đặt trong toà nhà Đấu xảo (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô), tại Hà Nội năm 1915. Đây là nơi trưng bày các sản phẩm mỹ nghệ của người bản xứ, cho đến khi bị quân đội Đế quốc Nhật trưng dụng làm kho vũ khí trong Thế chiến II và bị bom Mỹ phá huỷ.

Bên cạnh đó, một số hình ảnh nội thất Trường Sư phạm Thực hành trên phố Đỗ Hữu Vị (nay là Trường THPT Phan Đình Phùng trên phố Cửa Bắc) thập niên 20 thế kỉ trước. Đây là trường chỉ dành cho nam sinh - Trường nữ Sư phạm Thực hành nằm trên phố Đồng Khánh, đến thập niên 30 thì đổi thành Trường nữ trung học Bản xứ và hiện là THCS Trưng Vương.

Triển lãm “Gánh Hà Nội” cũng hoà vào không khí của những Ngày Giải phóng Thủ đô khi lựa chọn hình ảnh một gia đình dắt nhau ngang qua khu vực nhà tù Hoả Lò trên đường đi xem diễu binh, sau ngày Chính phủ Việt Minh về tiếp quản năm 1954. Cả bố và mẹ trong gia đình này đều là cán bộ Việt Minh nên những người con cũng đều được mặc trang phục quân đội.

Trong bối cảnh Thủ đô sạch bóng ngoại xâm, phơi phới cờ hoa và những nụ cười – những bức ảnh mà triển lãm “Gánh Hà Nội” chọn không chỉ để lan toả thông điệp lịch sử “không có gì quý hơn độc lập tự do”, mà còn để người nay thấy được những gian lao và biết trân trọng những giá trị quý báu của tiền nhân trong việc gìn giữ - xây dựng một Hà Nội thanh lịch và đậm đặc nét văn hóa truyền thống.

“Thăng Long - Hà Nội từ trước đến nay vẫn luôn giữ vai trò là đầu mối kinh tế, trung tâm giao lưu, tiếp xúc văn hóa. Để Hà Nội giữ vững vai trò ấy, vừa tiếp tục phát triển rực rỡ, giao thoa với quốc tế, vừa bảo tồn gìn giữ được nét đẹp lịch sử, vai trò của mỗi cá nhân đặc biệt là của giới trẻ càng phải rõ nét hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, liveshow - triển lãm “Gánh Hà Nội” tổ chức, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Thủ đô sẽ là cơ hội tuyệt vời để công chúng có dịp ngắm nhìn tiến trình lịch sử hào hùng của Hà Nội”, bạn Nông Thu Thủy – Trưởng nhóm dự án “Đong đầy một gánh” chia sẻ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/lan-toa-net-dep-thu-do-trong-ganh-ha-noi-post657034.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/lan-toa-net-dep-thu-do-trong-ganh-ha-noi-post657034.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lan toả nét đẹp Thủ đô trong 'Gánh Hà Nội'