Lý Bội Anh cũng nhanh chóng thua hết số tiền này. Khi bước khỏi bàn bài, ông toát mồ hôi lạnh, lo lắng về khoản nợ khổng lồ. Tuy nhiên, Kiều Lực lại không hề đề cập đến khoản tiền trên, thậm chí còn giúp Lý Bội Anh trả hàng trăm nghìn nhân dân tệ mà ông vay bạn bè. Điều này khiến Lý Bội Anh vô cùng cảm kích.
Vài tháng sau khi trở lại Bắc Kinh, Kiều Lực tìm đến Lý Bội Anh và nhờ đứng ra bảo lãnh khoản vay ngân hàng cho công ty của mình dưới tên CAG. Cảm thấy như nợ bạn một ân tình, Lý Bội Anh đồng ý, giúp Kiều vay trót lọt 20 triệu nhân dân tệ (khoảng 67,8 tỷ đồng). Vài tháng sau đó, Lý Bội Anh tiếp tục lấy danh nghĩa CAG bảo lãnh cho Kiều Lực vay hơn 300 triệu nhân dân tệ (hơn 1.000 tỷ đồng) mà không hề đắn đo.
Không phải Lý Bội Anh không nhận ra mục đích của Kiểu Lực, nhưng ông tự thuyết mình đó là "người bạn đáng tin cậy" bởi bản thân đã rơi vào địa ngục cờ bạc không thoát ra được.
Từ khi vào sòng bạc Las Vegas lần đầu tiên vào năm 1989 cho đến khi bị bắt vào năm 2007, trong 18 năm này, Lý Bội Anh đã sống một cuộc sống 2 mặt giữa ngày và đêm.
Ban ngày, Lý Bội Anh trong vai một người điều hành, một vị chủ tịch đạo mạo của tập đoàn hàng không tỷ đô. Đêm xuống, Lý Bội Anh đáp chuyên cơ đến Macau và đốt hàng triệu tệ ở các sòng bạc. Những người như Kiều Lực cũng xuất hiện ngày một nhiều bên cạnh Lý Bội Anh.
Lý Bội Anh tại phiên toà xét xử năm 2009. (Ảnh: 163)
Sóng gió ập đến năm 2007 khi Kiểm toán Nhà nước kiểm tra Sân bay Thủ đô phát hiện CAG ủy thác tới 1,5 tỷ nhân dân tệ cho công ty của Kiều Lực để đầu tư, mà người đứng sau tất cả là Lý Bội Anh.
Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện từ năm 1995 - 2003, Lý Bội Anh lợi dụng chức vụ của mình để thực hiện bảo lãnh vay ngân hàng, cho vay vốn đối với Kiều Lực cùng 6 đơn vị, cá nhân khác. Những người này đã "cảm ơn" Lý Bội Anh tổng cộng 26,61 triệu nhân dân tệ (khoảng 90,1 tỷ đồng)
Từ năm 2000 - 2003, Lý Bội Anh đã 3 lần chuyển riêng 82,5 triệu nhân dân tệ (khoảng 279,5 tỷ đồng) từ quỹ quản lý tài chính công của Sân bay Thủ đô để sử dụng mục đích riêng, trong đó 35 triệu nhân dân tệ được dùng để trả nợ cờ bạc.
Tháng 2/2009, Lý Bội Anh bị Tòa án thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, xét xử sơ thẩm với 2 tội danh Tham ô và Nhận hối lộ, nhận án tử hình thi hành án ngay lập tức.
Trước án tử, Lý Bội Anh vạch trần những hành vi phạm pháp của người khác có liên quan, mục đích để có thể nhận khoan hồng. Đồng thời, Lý cho rằng ông đã có công lao không nhỏ trong công cuộc phát triển ngành hàng không quốc gia và bản án toà đưa ra là quá nặng.
Đến tháng 3 cùng năm, Tòa án cấp cao tỉnh Sơn Đông tổ chức phiên tòa phúc thẩm, nhận định rằng Lý Bội Anh đã biển thủ 82,5 triệu nhân dân tệ và nhận hối lộ 26,61 triệu nhân dân tệ, tổng số tiền hơn 110 triệu nhân dân tệ, sai phạm kéo dài, thiệt hại vô cùng lớn và Lý thực sự là một "hổ lớn của đất nước". Do đó, tòa bác toàn bộ kháng cáo của Lý Bội Anh.
Tháng 8/2009, Lý Bội Anh bị xử tử tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông.