Lật mở quá trình đổi chủ dự án Sài Gòn - Đại Ninh khiến Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng bị bắt

Theo Hà Ly | 04/01/2024, 09:53
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chủ đầu tư dự án Sài Gòn - Đại Ninh tại tỉnh Lâm Đồng là Công ty Sài Gòn Đại Ninh "về tay" đại gia Nguyễn Cao Trí hồi đầu năm 2021. Sau đó, ông Nguyễn Cao Trí dùng dự án này để thỏa thuận chuyển nhượng rồi chiếm đoạt tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan.

Như đã đưa tin trước đó về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Văn Hiệp (Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) về tội Nhận hối lộ. Cơ quan điều tra xác định, ông Trần Văn Hiệp đã có hành vi Nhận hối lộ, liên quan dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng.

Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (gọi tắt là dự án Sài Gòn - Đại Ninh) được giới thiệu có diện tích gần 3.600ha, trải dài trên 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan thuộc huyện Đức Trọng, có vốn đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD). Dự án này bao trọn hồ Đại Ninh - địa danh được ví như vịnh Hạ Long thu nhỏ ở huyện Đức Trọng.

Lật mở quá trình đổi chủ dự án Sài Gòn - Đại Ninh khiến Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng bị bắt - Ảnh 1.

Toàn cảnh khu vực dự án Sài Gòn Đại Ninh tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh), doanh nghiệp được nhắc đến nhiều trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đồng thời liên quan đến hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Cao Trí với bà Trương Mỹ Lan.

Sài Gòn Đại Ninh 'về tay' đại gia Nguyễn Cao Trí như thế nào?

Theo đó, Công ty Sài Gòn Đại Ninh được thành lập tháng 1/2010 trụ sở tại số 9 đường Đống Đa, phường 3, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Khi đó, bà Phan Thị Hoa làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, người đại diện pháp luật. Từ tháng 1/2014, công ty đổi trụ sở về số 2/18 Phạm Hồng Thái, phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng như hiện nay.

Vốn điều lệ công ty khi thành lập là 300 tỷ đồng, gồm 7 cổ đông sáng lập, trong đó có Công ty TNHH Xây dựng kinh doanh Nhà ở Phương Nam sở hữu 273.000 cổ phần, chiếm 91% và 6 cổ đông khác, chiếm 9%.

Sau đó, Công ty Sài Gòn Đại Ninh tăng vốn điều lệ lên 600 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Xây dựng kinh doanh Nhà ở Phương Nam tiếp tục nắm giữ tới 85%.

Về Công ty TNHH Xây dựng kinh doanh Nhà ở Phương Nam, doanh nghiệp thành lập vào năm 1993, trụ sở tại quận 7, TPHCM. Bà Hoa giữ chức Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty và cũng là cổ đông lớn nhất. Theo cập nhật đến ngày 26/05/2023, Công ty có vốn điều lệ 540 tỷ đồng; trong đó bà Hoa nắm 92%, bà Đào Thúy Hằng 4%, ông Phan Văn Đức 3% và bà Đào Thúy Uyên 1%.

Tới thời điểm tháng 8/2016, Công ty TNHH Xây dựng kinh doanh Nhà ở Phương Nam rút vốn, bà Phan Thị Hoa là người đứng tên sở hữu 85% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh. Các cổ đông cá nhân còn lại gồm: Đào Thúy Hằng và Phan Văn Đức mỗi người góp 5%; Hoàng Văn Thọ chiếm 2%; Trần Tấn Công và Nguyễn Đình Tùng mỗi người 1%, Nguyễn Văn Lam và Trần Hồng Thắng mỗi người 0,5%. Lúc này Sài Gòn Đại Ninh vẫn giữ vốn điều lệ 600 tỷ đồng.

Đến ngày 10/10/2017, Sài Gòn Đại Ninh tăng vốn điều lệ tăng lên 2.000 tỷ đồng. Lúc này, bà Phan Thị Hoa nắm 88,5% cổ phần, 7 cổ đông cá nhân còn lại chiếm 11,5%.

Lật mở quá trình đổi chủ dự án Sài Gòn - Đại Ninh khiến Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng bị bắt - Ảnh 2.

Dự án Sài Gòn Đại Ninh mới chỉ xây dựng được vài hạng mục rồi bỏ hoang

Đồng hành cùng với bà Hoa tại Sài Gòn Đại Ninh thời bấy giờ còn có ông Nguyễn Anh Tú, giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách kinh doanh. Ông Tú là người sáng lập, chủ tịch hệ thống kinh doanh bất động sản DalatParis, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Bất động sản Phú Mỹ Toàn (Phú Mỹ Toàn).

Đầu tháng 12/2020, bà Phan Thị Hoa ký hợp đồng bán 100% vốn điều lệ cho Công ty cổ phần Tập đoàn Bến Thành Holdings Group (công ty con của Tập đoàn Capella của ông Nguyễn Cao Trí) với giá 5.000 tỷ đồng. Sau đó, ông Trí mua lại số cổ phần trên do pháp nhân Công ty TNHH Capella Hospitality (công ty con khác của Tập đoàn Capella) đứng tên.

Công ty Capella Hospitality đã thanh toán 1.530 tỷ đồng để mua 51% vốn điều lệ Công ty Sài Gòn Đại Ninh vào các ngày 28/12/2020 và 5/2/2021.

Đến ngày 30/9/2022, ông Trí nhờ em trai là Nguyễn Cao Đức đứng tên mua thêm 7% vốn điều lệ của cá nhân bà Hoa và thanh toán 700 tỷ đồng.

Tổng cộng, ông Trí đã sở hữu 58% vốn điều lệ và thanh toán cho bà Hoa 2.230 tỷ đồng. Nguồn tiền thanh toán là tiền nội bộ tại Công ty Capella và vay tại Ngân hàng Sacombank. Sau khi hoàn tất giao dịch này, ngày 28/1/2021, ông Trí trở thành Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

Được biết, từ khi thành lập đến nay, Sài Gòn Đại Ninh chỉ được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với duy nhất dự án Sài Gòn - Đại Ninh vào năm 2010.

Thương vụ "hụt" với Chủ tịch Vạn Thịnh Phát

Dự án Sài Gòn - Đại Ninh cũng được nhắc tên trong vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trong đó, Chủ tịch Tập đoàn Capella Nguyễn Cao Trí dùng dự án này để chiếm đoạt tài sản của bà Trương Mỹ Lan.

Cụ thể, theo kết luận điều tra vụ án tại Vạn Thịnh Phát, sau khi nắm quyền chi phối tại Công ty Sài Gòn Đại Ninh, ông Trí thỏa thuận bán 100% vốn điều lệ cho bà Trương Mỹ Lan với giá 3.000 tỷ đồng. Bà Lan đã đặt cọc và 5 lần chuyển tiền cho ông Trí tổng cộng 20 triệu USD (tương đương 463,5 tỷ đồng).

Thực tế, ông Trí khai nhận 1 triệu USD (tương ứng 23,2 tỷ đồng) và 127 tỷ đồng, còn 19 triệu USD chỉ ghi nhận tiến độ thanh toán nhưng chưa nhận tiền.

Tuy nhiên, sau đó bà Lan không mua cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh và thống nhất với ông Trí cộng số tiền đặt cọc 1 triệu USD (23,2 tỷ đồng) và 127 tỷ đồng này cùng với một số khoản tiền khác chuyển thành mua 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang.

Kết luận điều tra cho hay, nhiều khoản tiền đầu tư và vay giữa hai bên không có giấy tờ, biên nhận. Vì vậy, tháng 1/2021, ông Trí gặp bà Lan để thống nhất chốt các khoản đầu tư mà ông Trí nhận của bà Lan, tổng cộng là 1.000 tỷ đồng.

Để đảm bảo tín nhiệm và tin tưởng cho 1.000 tỷ đồng, Trí thống nhất chuyển nhượng cho Lan 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang và thống nhất với Lan để Hồ Quốc Minh đứng tên sở hữu cổ phần.

Sau khi Trương Mỹ Lan bị khởi tố, bắt tạm giam, đến ngày cuối tháng 10/2022, ông Trí chỉ đạo cấp dưới soạn thảo các văn bản điều chỉnh giá và thanh lý toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang đã ký theo thỏa thuận với Trương Mỹ Lan.

Tiếp đó, ông Trí hoàn thiện hồ sơ và làm thủ tục xác nhận chuyển nhượng 10% vốn điều lệ từ ông Hồ Quốc Minh sang em trai ông Trí và nhân viên kế toán Công ty Văn Lang. Cùng với đó, ông Trí yêu cầu ông Hồ Quốc Minh ký hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ tại Công ty Văn Lang và bản thanh lý Hợp đồng ủy thác đầu tư 31,22% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp.

Cơ quan điều tra xác định, ông Nguyễn Cao Trí đã tự ý lập, hoàn thiện hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng, thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư trị giá 1.000 tỷ đồng mà không trao đổi với bà Lan, nhằm xóa bỏ quyền sở hữu đối với 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang, chiếm đoạt tiền đã nhận của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bài liên quan
Thêm chủ dự án khu đô thị 'nghìn tỷ' bị tạm hoãn xuất cảnh
Ông N.V.Q, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Công ty Hoàng Mai được biết là chủ đầu tư của các dự án khu đô thị ở Hoà Bình và Hà Nội và hiện đang nợ thuế hàng trăm tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lật mở quá trình đổi chủ dự án Sài Gòn - Đại Ninh khiến Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng bị bắt