Dwayne Winseck - giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Carleton ở Ottawa - nói với Al Jazeera rằng: “Khi Meta và Google đang củng cố quyền kiểm soát của họ đối với quảng cáo trực tuyến cũng như việc phân phối và chia sẻ tin tức trực tuyến, các nhà báo và báo chí đang trải qua một cuộc khủng hoảng.”
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã gọi lệnh cấm tin tức của Meta là ‘không thể tưởng tượng được’. Ảnh: Reuters
Để giải quyết các phàn nàn trong vụ cháy rừng gần đây ở Canada, Meta đã cho ra mắt dấu hiệu “Kiểm tra an toàn” trên Facebook, cho phép mọi người tự đánh dấu mình là “an toàn” trong các trường hợp khẩn cấp thông qua một trang với tên gọi “Ứng phó khủng hoảng” và có thể yêu cầu hỗ trợ nếu cần.
Người phát ngôn của Meta đã nói với Al Jazeera trong một email trong tháng này rằng, hệ thống “Kiểm tra an toàn” cũng cho phép người dùng Facebook “cập nhật thông tin từ các nguồn có uy tín” trong thời điểm khủng hoảng.
“Người dân ở Canada có thể tiếp tục sử dụng công nghệ của chúng tôi để kết nối với cộng đồng của họ và truy cập thông tin có uy tín, bao gồm cả nội dung từ các cơ quan chính phủ, các dịch vụ khẩn cấp và các tổ chức phi chính phủ”, người phát ngôn cho biết.
Tuy nhiên, theo Al Jazeera, trang “Ứng phó khủng hoảng” của Facebook đối với các vụ cháy rừng ở vùng Tây Bắc của Canada chủ yếu chứa nội dung video, bao gồm cả từ các hãng tin ít người biết đến và không phải của nước này.
Và các nhà phê bình cho rằng, vụ cháy rừng ở Yellowknife và các khu vực khác của Canada đã nêu bật lập trường không khoan nhượng của Meta. Brent Jolly - Chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Canada (CAJ) - cho biết “sự ngoan cố” của Meta phản ánh điều không tốt về công ty.
Jolly nói với Al Jazeera: “Đối với tôi, điều đó chắc chắn nói lên rất nhiều điều về cam kết của họ trong việc phổ biến thông tin chất lượng [và] phục vụ người dùng của họ.”
Về phần mình, Williams tại Cabin Radio cho biết, ông đã cố gắng liên hệ với Meta nhưng chưa nhận được phản hồi.
Thật khó để đánh giá đầy đủ quyết định của Meta ảnh hưởng như thế nào đến nỗ lực sơ tán cháy rừng.
Nhưng Winseck cho biết, việc không xem được tin tức sẽ làm gián đoạn “chuỗi luồng thông tin” trong cộng đồng vì mọi người bị cắt đứt khỏi những người trong vòng kết nối xã hội của họ, những người mà họ tin tưởng để đăng tin tức và nhận thông tin đáng tin cậy.
Emilia King - trợ lý giáo sư về nghiên cứu truyền thông và phương tiện kỹ thuật số tại Đại học Công nghệ Ontario - cảnh báo rằng, lệnh cấm cũng có thể dẫn đến sự trỗi dậy của thông tin sai lệch trực tuyến – một vấn đề mà Canada và nhiều quốc gia khác đang phải đối mặt.
“Chúng ta đã quen với những nền tảng này gần như thể chúng là những tiện ích công cộng. Nhưng rõ ràng là không phải vậy. Họ là những công ty tư nhân. Họ đã hết lần này đến lần khác chứng minh rằng họ đặt lợi ích của mình lên hàng đầu”, bà nói.
Một số chuyên gia cho biết, Meta đang vạch ra một ranh giới để đảm bảo rằng, các quốc gia khác không làm theo và cố gắng điều chỉnh nền tảng này. “Nó giống như phục vụ tỏi cho ma cà rồng vậy”, King nói về ác cảm của các công ty truyền thông xã hội đối với các quy định của chính phủ.