Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng những hoàn cảnh thương tâm để trục lợi. Ảnh: Vân Sơn
Thủ đoạn lừa đảo nêu trên cũng đã được ghi nhận tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đại diện Phòng Công tác Xã hội của Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, thời gian qua nhiều thông tin không đúng sự thật đã được các đối tượng lừa đảo đăng trên mạng xã hội để kêu gọi giúp đỡ của cộng đồng. Tiêu biểu nhất là một trường hợp “bệnh nhân ảo” có tên là bé Hoàng Duy Phương (3 tuổi) được thông tin bị khối u não ác tính nhưng cha mẹ nghèo nên không có đủ tiền phẫu thuật.
Các đối tượng đã đăng thông tin kêu gọi giúp đỡ và đưa tài khoản của cá nhân để vận động mạnh thường quân chuyển tiền vào nhằm chiếm đoạt . Sau khi rà soát phát hiện thông tin bệnh nhân là hoàn toàn giả mạo, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuyển vụ việc sang cơ quan công an đề nghị điều tra làm rõ.
Ngoài ra, Bệnh viện Chợ Rẫy còn ghi nhận tình trạng các đối tượng lừa đảo lấy hình ảnh của bệnh nhân này cắt ghép với thông tin, bệnh án của bệnh nhân khác rồi tung lên mạng xã hội kêu gọi cộng đồng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của chúng. Nhiều mạnh thường quân do không có thời gian tìm hiểu cụ thể thông tin người bệnh đã chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng mà không biết mình đã bị lừa.
Từ thực tế trên, Sở Y tế TPHCM nhận định, thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội hướng tới các bệnh viện ngày càng tinh vi, nhắm trực tiếp vào tâm lý của thân nhân và tình thương của cộng đồng. Sở Y tế khuyến cáo người dân, nhất là các bậc phụ huynh cần cẩn trọng trước những thông tin giả mạo của các đối tượng.