Liên tục có chỉ đạo nóng từ Chính phủ, tương lai nào cho thị trường bất động sản 2024?

Minh Tâm | 29/05/2023, 13:17
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ cuối năm 2022, liên tục các chỉ đạo từ Chính phủ nhằm tháo gỡ cho thị trường bất động sản đã tạo ra tâm lý tích cực cho người mua. Tuy nhiên, để các chính sách thẩm thấu vào thị trường vẫn cần thời gian.

Hàng loạt chỉ đạo tháo gỡ cho thị trường bất động sản

Từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn và rơi vào trầm lắng. Theo đó, nhằm tháo gỡ, thúc đẩy thị trường từ cuối năm 2022, Chính phủ liên tục có những chỉ đạo “nóng”.

Cụ thể, ngày 17/11/2022 Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.

Trong 3 ngày liên tiếp của tháng 12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký 3 Công điện để chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách của nền kinh tế và thị trường bất động sản. Cụ thể, Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 "về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế"; Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 "về thị trường trái phiếu doanh nghiệp"; Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 "về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở". Chính phủ kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp chung sức, hợp lực để vượt qua khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển đúng quy luật, an toàn, lành mạnh.

Liên tục có chỉ đạo nóng từ Chính phủ, tương lai nào cho thị trường bất động sản 2024? - Ảnh 1.

Sang đến đầu năm 2023, ngày 5/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Ngày 11/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Bên cạnh đó, ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công văn số 178/TTg-CN về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản.

Tiếp theo, ngày 3/4, Nghị định 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai chính thức được ban hành. Ngày 23/4, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Đồng thời, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2023 quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Thống đốc NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp kể từ ngày 24/4.

Mới đây nhất, ngày 27/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Công điện 469/CĐ-TTg về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thị trường sẽ đảo chiều vào năm 2024?

Thực tế, các chỉ đạo từ Chính phủ nhằm tháo gỡ cho thị trường bất động sản đã tạo ra tâm lý tích cực cho người mua. Song vẫn cần thời gian để các chính sách sẽ thẩm thấu vào thị trường.

Liên tục có chỉ đạo nóng từ Chính phủ, tương lai nào cho thị trường bất động sản 2024? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, các chính sách của Chính phủ dự kiến cần thời gian để thị trường thẩm thấu. Theo đó, tâm lý nhà đầu tư đã dần tích cực và góp phần để đà phục hồi diễn ra nhanh hơn trong thời gian tới.

"Diễn biến tích cực từ chính sách điều hành kinh tế, tài chính tiền tệ của Chính phủ đang tạo ra tâm lý tích cực hơn cho thị trường, góp phần định hướng nhu cầu bất động sản trở về với giá trị thực. Thị trường bất động sản sẽ đảo chiều vào năm 2024 trong điều kiện các chính sách điều hành vĩ mô tiếp tục tích cực như hiện nay", ông Quốc Anh dự báo.

Đối với thị trường nhà ở, phục hồi hay không phụ thuộc rất nhiều mốc liên quan đến việc phê duyệt các dự thảo luật và các nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện. Từ nay đến cuối năm sẽ có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nguồn cung nhưng cần cải thiện mạnh mẽ hơn, đặc biệt là nguồn cung liên quan đến nhà ở vừa túi tiền.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận tư vấn tại Savills Hà Nội đánh giá: "Mặc dù có những thông tin liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội nhưng chính sách nào cũng có độ trễ nhất định. Do đó, kỳ vọng từ cuối năm 2023 cũng như sang sang năm 2024 và các năm sau đó, thị trường bất động sản có thể có sự phục hồi và phát triển theo nhịp bình thường đối với phân khúc nhà ở".

Còn chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nhận định, năm 2024, xét trong bối cảnh kinh tế thế giới có sự phục hồi, xuất khẩu ổn định và nền kinh tế nội địa thuận lợi hơn thi kịch bản thị trường bất động sản tan băng sẽ khá rõ. Tuy nhiên, sẽ tập trung ở khu dân cư đô thị, vùng có thể đầu tư khai thác được, đồng thời mặt bằng giá sẽ giảm hoặc đi ngang và không tăng giá.

Bên cạnh đó, ông Hiên cho rằng, trong năm 2024 khả năng dòng tiền nhàn rỗi quay lại thị trường bất động sản sẽ không cao. Thị trường sẽ không xuất hiện các nhà đầu tư mới đổ tiền mua bất động sản giống như một làn sóng trước đây. Số lượng người ôm đất mong muốn thoát hàng ra đang nhiều hơn số lượng người có sẵn tiền để ôm hàng, tức cầu thấp hơn cung.

“Dòng tiền đầu tư bất động sản sẽ rõ ràng hơn trong năm 2024, tức người mua sẽ xuống tiền giao dịch ở những nơi đã thấy rõ tiềm năng và có thể khai thác”, vị này nhận định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liên tục có chỉ đạo nóng từ Chính phủ, tương lai nào cho thị trường bất động sản 2024?