Liên tục xảy ra các vụ án giết người, cướp tài sản: Làm gì để ngăn những vụ án thương tâm?

22/02/2024, 07:59
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nghiên cứu các vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra thời gian vừa qua, nhà nghiên cứu tội phạm học - Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu đưa ra những phân tích về tâm lý tội phạm và cách phòng ngừa, kỹ năng ứng phó, thoát hiểm khi đối diện loại tội phạm này.

“Qua thông tin báo chí phản ánh, có thể thấy hành vi phạm tội của các đối tượng có ác tính rất cao, phản ánh sự suy thoái trầm trọng trong nhân cách con người, đặc trưng đó là sự ích kỷ cao độ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, coi thường tính mạng người khác. Khi thực hiện tội phạm, các đối tượng bị thúc đẩy bởi động cơ thoả mãn nhu cầu vật chất. Để chiếm đoạt được tài sản của nạn nhân, đồng thời lo sợ nếu để nạn nhân sống, hành vi phạm tội sẽ bị tố cáo nên chúng đã xuống tay tàn bạo, quyết tâm tước đoạt sinh mạng con người”, TS Hiếu phân tích.

Về việc phi tang thi thể nạn nhân, từ thực tiễn nhiều năm công tác trong lực lượng điều tra trọng án, TS Hiếu cho biết, trong sâu thẳm tâm lý tội phạm luôn là một nỗi sợ. Chúng thừa biết hành vi của mình là phạm trọng tội, nếu bị phát hiện, bắt giữ, sẽ phải đối diện hình phạt nghiêm khắc để trả giá cho tội ác.

Vì vậy, chúng phải làm mọi việc để ngăn ngừa mọi nguy cơ bất lợi đối với mình. Đó là động cơ tâm lý để nhiều kẻ thủ ác xuống tay giết người diệt khẩu, hoặc sẵn sàng phân xác nạn nhân, hay đốt cháy thi thể để phi tang nhằm triệt tiêu khả năng tội ác bị bại lộ, ngăn cản việc điều tra làm rõ sự thật của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, việc điều tra bắt giữ thủ phạm gây trọng án cũng dễ gặp tình huống đối tượng chống trả manh động khi chúng cảm thấy nguy hiểm.

Đối diện mức án tử hình

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, hành vi phạm tội của đối tượng Hoàng Minh Hào không những đã tước đoạt tính mạng nạn nhân rất tàn ác mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ. Xét hành vi của đối tượng đã phạm 3 tội Giết người, Cướp tài sản, Trộm cắp tài sản quy định tại Điều 123, 168, 173 Bộ luật Hình sự. Đối với tội Giết người với nhiều tình tiết định khung tăng nặng (để thực hiện tội phạm khác và có tính chất côn đồ), đối tượng sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất tử hình.

Giải pháp

Theo TS Hiếu, có rất nhiều tình huống xảy ra cướp. Nếu kẻ cướp đột nhập vào nhà, chúng thường sử dụng vũ lực (hung khí) tấn công hoặc đe dọa tấn công ngay tức khắc để đè bẹp sự kháng cự của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản. Do đó, mọi người cần tăng cường ý thức cảnh giác trước sự xuất hiện của người lạ mặt, những biểu hiện bất thường trong đêm tối. Cảnh giác cao khi tiếp xúc với những người không quen biết, hoặc những người có quen biết nhưng đã lâu không gặp, không rõ công việc và hoạt động hiện hành của họ là gì.

Bên cạnh đó, mọi người không khoe của cải hoặc để lộ thông tin về việc có khoản tiền, tài sản có giá trị. Đối với những người ở một mình cần thận trọng và hạn chế việc mời người khác đến chỗ ở của mình để trò chuyện, ăn uống, sinh hoạt, nhất là đối với những người mới quen, hoặc không rõ lai lịch, công việc, hoạt động.

“Tình huống buộc phải giao tiếp với người lạ tại không gian riêng tư, vắng vẻ chỉ có 2 người, nên thông báo cho người thứ ba biết, có thể lấy lý do hợp lý để chụp hình của khách với mình bằng điện thoại, rồi đưa lên mạng xã hội. Đồng thời thận trọng trước những lời mời đến nhà riêng, khách sạn, nhà nghỉ, đến những nơi hoang vu, vắng vẻ… với những người mới quen, hoặc không rõ lai lịch, công việc, hoạt động của họ...”, TS Hiếu khuyến cáo.

Theo TS Hiếu, hầu hết bọn cướp tài sản đều mang theo dao nhọn, dao bấm… để tấn công, khống chế nạn nhân hoặc phòng thân trước nguy cơ bị bắt giữ. Do đó, khi đã bị cướp uy hiếp, đe dọa với hung khí trên tay, trong hoàn cảnh không thể có sự trợ giúp từ bên ngoài thì giải pháp khôn ngoan nhất là hãy tỏ ra hợp tác, phục tùng mọi yêu sách của đối tượng để bảo đảm an toàn tính mạng của mình.

Cần quán triệt phương châm mạng sống chỉ có một, còn của cải mất đi có thể làm lại, hoặc tìm lại được thông qua hoạt động truy xét của cơ quan chức năng. Đừng vì tâm lý tiếc tài sản mà hành động bản năng như ôm giữ, giằng giật, tri hô, đánh trả bọn cướp khi không có khả năng, tương quan lực lượng yếu hơn hẳn, không có sự trợ giúp.

Trong khi thực hiện yêu cầu của tên cướp, cần kín đáo quan sát, ghi nhớ các đặc điểm của đối tượng, như số lượng, giới tính, giọng nói, khuôn mặt, các đặc điểm dị hình như vết xăm trổ, vết sẹo, đồ trang sức trên người, quần áo, giày dép, phương tiện cầm theo… Đồng thời, cần chú ý quan sát tình hình, tận dụng thời cơ thuận lợi để bỏ chạy đến nơi an toàn, hoặc bất ngờ tấn công lại đối tượng sau khi cân nhắc các khả năng có thể xảy ra.

“Nạn nhân có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ chế hành vi phạm tội, thể hiện ở cả 3 khâu là làm nảy sinh ý định phạm tội; kế hoạch hóa việc thực hiện tội phạm; tạo điều kiện cho tội phạm được thực hiện một cách thuận lợi, dễ dàng. Nếu nạn nhân có ý thức cảnh giác, không đi cùng người lạ, không xuất hiện tại khu vực vắng vẻ khi trời tối, không để lộ ra tài sản, biết cách ứng phó tri hô, kêu cứu, bỏ chạy, tự vệ... có thể không xảy ra tội phạm hoặc giảm thiểu được hậu quả, tác hại”, TS Hiếu nhận định.

Theo www.24h.com.vn
https://www.24h.com.vn/an-ninh-hinh-su/lien-tuc-xay-ra-cac-vu-an-giet-nguoi-cuop-tai-san-lam-gi-de-ngan-nhung-vu-an-thuong-tam-c51a1545327.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/an-ninh-hinh-su/lien-tuc-xay-ra-cac-vu-an-giet-nguoi-cuop-tai-san-lam-gi-de-ngan-nhung-vu-an-thuong-tam-c51a1545327.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liên tục xảy ra các vụ án giết người, cướp tài sản: Làm gì để ngăn những vụ án thương tâm?