Phần 2 là các bước thực hành để điều chỉnh giấc ngủ. Phần này gồm 12 trang, hướng dẫn bệnh nhân ghi chép cách áp dụng cụ thể và thực hành theo nội dung từng tuần trong suốt 4 tuần: Tuần 1: “Vệ sinh giấc ngủ”, “Tăng hiệu quả giấc ngủ” và “Kiểm soát kích thích”; Tuần 2: Đánh giá và điều chỉnh lại lịch trình ngủ; Tuần 3: Điều chỉnh thời lượng nằm trên giường; Tuần 4: Ôn tập kiến thức và cách tự điều chỉnh lịch trình ngủ.
Phần 3 là thang điểm tự đánh giá gồm 4 trang với 2 thang điểm: Thang điểm đánh giá chất lượng giấc ngủ Pittsburgh gồm bảng 9 câu hỏi và cách tính điểm; Bộ câu hỏi đánh giá chất lượng cuộc sống EQ - 5D - 5L gồm 5 câu hỏi.
BS.CKII Quách Thanh Hưng cho biết, để có dữ liệu đánh giá, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá hiệu quả can thiệp dược lâm sàng trên bệnh nhân rối loạn mất ngủ.
Kết quả, nhóm đã tổng hợp hoàn thành các mục tiêu đề ra gồm: Khảo sát được các yếu tố nguy cơ của mất ngủ, ảnh hưởng của mất ngủ lên chất lượng cuộc sống và khảo sát việc sử dụng thuốc của người cao tuổi bị rối loạn mất ngủ trên địa bàn TPHCM.
Nhóm nghiên cứu thực hiện xây dựng và thẩm định “Cẩm nang hỗ trợ điều hòa giấc ngủ”. Cẩm nang hoàn thiện gồm 3 phần: Kiến thức về giấc ngủ, các bước thực hành để điều chỉnh giấc ngủ và thang điểm đánh giá chất lượng giấc ngủ Pittsburgh; Đánh giá được hiệu quả can thiệp dược lâm sàng trên bệnh nhân rối loạn mất ngủ, hoàn thành xây dựng và đào tạo quy trình tiếp cận bệnh nhân, đánh giá chất lượng giấc ngủ, chất lượng cuộc sống trước can thiệp dược lâm sàng.
Dựa trên kết quả đã thực hiện cho thấy mô hình BBT-I (Phương pháp điều trị hành vi rút gọn cho bệnh mất ngủ) mang lại hiệu quả trong hỗ trợ điều trị mất ngủ cho người bệnh và có thể được ứng dụng để nâng cao chất lượng điều trị, giảm chi phí sử dụng thuốc và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bệnh nhân cao tuổi bị mất ngủ có chất lượng cuộc sống thấp ở hầu hết mọi mặt, bao gồm hoạt động chức năng, giới hạn khả năng hoạt động chức năng do sức khỏe thể chất hoặc trạng thái tinh thần, cảm nhận đau và tâm thần tổng quát.
Kết quả của nghiên cứu hiện tại cho thấy các chỉ tiêu sống bị giảm chất lượng là cảm giác đau hoặc khó chịu, sự lo lắng hoặc u sầu (hơn 70% bệnh nhân) và khả năng đi lại (gần 45% bệnh nhân). Kết quả nghiên cứu gợi ý cần chú trọng việc điều trị đau ở bệnh nhân và hỗ trợ cải thiện các vấn đề liên quan đến tâm lý để cải thiện mất ngủ ở người cao tuổi.