Linh hoạt để bồi đắp khoảng trống trong triển khai chương trình GDPT mới

Hà Linh | 19/03/2022, 17:22
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới được đánh giá là phù hợp với nhiều cơ sở giáo dục vùng thuận lợi, song lại đang tạo ra không ít thách thức cho vùng khó.

Việc triển khai dạy học Tiếng Anh cho học sinh lớp 3 tại Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Tân Lập trong năm học 2022 - 2023 gặp khó do chưa có giáo viên.

Linh hoạt để "bồi đắp" phần thiếu

Vì liên cấp, nên Trường PTDTBT TH và THCS Tân Lập đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong triển khai chương trình mới. Dẫu vậy, cô Vân Anh cho rằng vẫn không tránh khỏi vướng mắc nhất định trong năm học tới, do những thiếu hụt mang tính đặc thù mang lại. Chính bởi vậy, sự linh hoạt từ mỗi giáo viên, nhà trường và ngành giáo dục địa phương là cần thiết.

Đơn cử như đối với chương trình lớp 3 của năm học tới sẽ có thêm môn Ngoại ngữ. Trong khi theo cô Vân Anh, trường chỉ có 1 giáo viên thuộc cấp THCS, và 1 tuần đã kín lịch giảng dạy tại 8 lớp, không thể cân đối. Hoặc có môn tổ hợp phải bố trí 2 – 3 giáo viên, khiến nhà trường khó khăn trong việc sắp xếp lịch giảng dạy.

“Ngoài ra, để áp dụng theo chương trình mới, nhiều đồ dùng dạy học phải đi theo bộ, trong khi nhà trường không có. Bởi vậy, thầy cô phải tận dụng tối đa những gì sẵn có và khai thác triệt để từ sở trường, sở đoản của bản thân để phục vụ cho từng bài giảng. Ví dụ như môn hóa học, đa phần giáo viên hiện nay đều sử dụng thí nghiệm ảo trên mạng”, cô Vân Anh nói.

Cô Vân Anh cũng cho rằng, để giảm áp lực từ sự thiếu đồng bộ, về phía nhà trường và các thầy cô giáo đã chủ động linh hoạt “thiên biến vạn hóa”. Tuy nhiên, trên thực tế có một số vấn đề trường không thể tự quyết định thì vẫn cần sự linh hoạt, quan tâm hơn nữa từ các cấp.

Giáo viên phải linh hoạt trong mỗi tiết học để bồi đắp những thiết học về thiết bị giảng dạy.

Tương tự, tại Trường PTDTBT THCS Trung Thu, để triển khai chương trình mới đối với lớp 6, năm học này giáo viên phải tận dụng tối đa công nghệ trong từng bài giảng. Với quan điểm “SGK chỉ là bộ khung sườn”, nhiều thầy cô đã tự tìm tòi, sáng tạo, thiết kế thêm những bộ đồ dùng bổ trợ.

“Hiện nay chương trình học kỳ 2 đã qua hơn nửa, mà trường vẫn chưa được đầu tư bộ đồ dùng dạy học cho khối lớp 6 theo đúng chương trình. Nhưng vì đây là khó khăn chung của toàn ngành nên nhà trường chỉ còn cách động viên và đều nhận được sự ủng hộ của các thầy cô giáo”, thầy Ngân chia sẻ.

Đối với Trường THPT Búng Lao (huyện Mường Ảng) là nơi theo học thường xuyên của hơn 700 con em đồng bào các dân tộc, đến từ nhiều địa phương trong khu vực. Xác định rõ những thách thức, nhà trường đã tạo bước đệm bằng việc chủ động “nhập cuộc” từ 2 năm nay.

“Mặc dù năm học tới (2022 – 2023) mới bắt đầu triển khai chương trình mới đối với lớp 10, song trong 2 năm học vừa qua trường đã cho toàn thể giáo viên soạn giáo án theo phương pháp và cách thức mới, trên nền tảng SGK cũ. Hiện nay, giáo viên đều đã thành thạo với cách làm này, nhất là trong việc vận dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động dạy – học, sao cho phù hợp với đối tượng học sinh”, thầy Tống Văn Đỗ, Hiệu trường nhà trường chia sẻ.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/linh-hoat-de-boi-dap-khoang-trong-trong-trien-khai-chuong-trinh-gdpt-moi-5WmbAaE7g.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/linh-hoat-de-boi-dap-khoang-trong-trong-trien-khai-chuong-trinh-gdpt-moi-5WmbAaE7g.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Linh hoạt để bồi đắp khoảng trống trong triển khai chương trình GDPT mới