Theo Bộ Tài chính, hình thức livestream bán hàng có phát sinh doanh thu, thu nhập nên phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thuế.
Các loại thuế phải chịu là thuế thu nhập cá nhân và thuế quản lý hộ kinh doanh.
Cùng với sự phát triển của công nghệ số, các nền tảng xã hội đã trở thành công cụ hữu ích, phương tiện kết nối không giới hạn của người sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng.
Tận dụng tính năng này, nhiều tổ chức, cá nhân đã khai thác, sử dụng các tài khoản cá nhân để thực hiện livestream (phát trực tiếp) bán hàng trên nền tảng số, nhất là trên Facebook, TikTok hay Instagram...
Không mất quá nhiều kinh phí để mở cửa hàng kinh doanh quần áo trẻ em, chị Trần Hà Linh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã tận dụng những ưu việt của công nghệ số và các tính năng của điện thoại thông minh để tổ chức những phiên bán hàng trực tuyến.
Mỗi phiên bán hàng có thể tiêu thụ hàng chục thậm chí hàng trăm sản phẩm.
Chị Hà Linh chia sẻ, thời gian gần đây việc bán hàng qua mạng Internet nhất là livestream trở thành kênh thương mại hữu hiệu. Không chỉ giúp người bán chủ động về thời gian, địa điểm, mà còn có thể tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn.
“Dù kinh doanh quần áo trẻ em không phải là công việc chính của tôi, song để tăng thêm thu nhập tôi đã nhập hàng, sử dụng cách livestream và nền tảng số để phát triển nghề tay trái.
Để thu hút được khán giả xem, mua hàng, ngoài việc hàng hóa bảo đảm chất lượng, người bán hàng cần chú trọng xây dựng kênh, tạo uy tín và hình ảnh với khách hàng. Để buổi livestream đạt hiệu quả, người live phải ăn nói lưu loát, có khả năng thuyết phục, tư vấn chính xác cho người tiêu dùng”, chị Linh nói.
Là quản lý cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, đặc sản tại phường Nông Tiến, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, gần 1 năm nay chị Huyền Phương cũng tìm đến hình thức livestream để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh thu và lợi nhuận.
“Livestream giúp việc bán hàng trở nên số hóa và mở rộng hơn so với hình thức bán hàng truyền thống. Việc livestream có nhiều ưu điểm như: Giúp tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn; không bị giới hạn bởi địa điểm, khoảng cách địa lý và thời gian; tiết kiệm được rất nhiều chi phí như: Thuê mặt bằng, nhân công, chi phí bán hàng, từ đó giá thành sản phẩm giảm, cả người mua và người bán đều có lợi.
Nhờ việc livestream mà cửa hàng có nhiều khách hàng hơn, sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, thậm chí gửi ra nước ngoài. Cao điểm, có ngày cửa hàng có cả trăm đơn hàng - đây là điều mà kinh doanh truyền thống khó có thể làm được”, chị Phương cho biết.
Ông Hoàng Dũng, CEO Color Media cho biết, ngành livestream ở Việt Nam hiện còn gặp khó ở vấn đề nhân sự chuyên môn có kiến thức về nền tảng tham gia, hiểu quy trình vận chuyển hàng hóa, quản trị kho bãi… Do đó, với nhóm khách hàng là nhà bán nhỏ lẻ, cá nhân hay khách hàng doanh nghiệp thì sẽ có những dịch vụ riêng phù hợp.
Song dù ở quy mô nào, khi tham gia bán hàng online, nhà kinh doanh phải đầu tư cửa hàng chuyên nghiệp, phải xác định khung giờ mở bán hàng ngày. Nhà kinh doanh cần lên sóng đều đặn, có chương trình khuyến mại tương tự như một cửa hàng offline để mở rộng khách hàng và xem đây là kênh bán hàng sinh lợi nhuận tiềm năng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời tại họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 1/6. |
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, diễn ra hôm 1/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, hoạt động livestream bán hàng trên mạng có phát sinh doanh thu và có thể phát sinh thu nhập.
Khi đã hoạt động kinh tế, thương mại như vậy, phát sinh doanh thu, phát sinh thu nhập phải chịu sự điều chỉnh của các quy định của Luật Thuế và các sắc thuế và phải chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan thuế.
Đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung hay hoạt động livestream bán hàng trên mạng nói riêng, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) hiện đang thực hiện quản lý và giám sát theo hai sắc thuế.
Nếu là cá nhân thực hiện hoạt động thương mại điện tử hay livestream bán hàng, có phát sinh doanh thu và phát sinh thu nhập thì sẽ phải chịu thuế đối với thu nhập của bản thân mình, điều chỉnh bởi Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Đối với trường hợp các hộ kinh doanh gia đình thực hiện các hoạt động thương mại điện tử hay livestream bán hàng và có phát sinh doanh thu thì thực hiện quản lý và thu thuế theo quy định liên quan đến quản lý đối với hộ kinh doanh. Nếu hộ khoán thì nằm trong mức khoán thu thuế, nếu hộ có kê khai thì thực hiện theo hoạt động kê khai về thuế.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, đây cũng là hoạt động trong quá trình phát triển của công nghệ thông tin và thương mại điện tử nên gần đây có sự phát triển. Cơ quan thuế truyền thông rất nhiều đến tất cả những đối tượng tham gia hoạt động này để họ hiểu rõ các quy định về thuế và tự giác tiến hành kê khai và nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật.
Các cơ quan thuế cũng tiến hành giám sát và kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh này của các cá nhân và hộ kinh doanh.
Thông tin về kết quả quản lý thuế thương mại điện tử, gồm livestream bán hàng, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, năm 2022, doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng và số thuế đã nộp là 83.000 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng và số thuế đã thu khoảng 97.000 tỷ đồng.
Kết quả thanh tra xử lý vi phạm trong 3 năm 2021, 2022, 2023, các tổ chức cá nhân đưa vào rà soát 31.570 đối tượng, gồm cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân.
Bộ Tài chính đã xử lý vi phạm 22.159 trường hợp, số thuế thu tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng.
“Thời gian tới, cơ quan thuế sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, livestream để không xảy ra tình trạng phải truy thu, xử lý sau này”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.